Còn phân biệt đối với lao động có bằng tại chức

Thứ năm, ngày 20/06/2013 08:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại phiên thảo luận về Dự án Luật việc làm tại Quốc hội ngày 19.6, đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) bày tỏ sự không tán thành với một số trường hợp kỳ thị những người tốt nghiệp các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa trong quá trình tuyển dụng.
Bình luận 0

Thể hiện quan điểm dự án luật cần bổ sung nguyên tắc không phân biệt loại hình đào tạo, bà Trung nhấn mạnh: "Thay vì phân biệt ngay từ đầu theo kiểu "vơ đũa cả nắm", nhà tuyển dụng cần xây dựng cơ chế, giải pháp để lựa chọn được nhân lực đáp ứng phù hợp nhu cầu của mình".

img
ĐB Lê Thị Yến phát biểu tại nghị trường sáng 19.6.

Đồng tình với quy định đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề trong dự án luật, một số đại biểu cũng cho biết: Việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề là hoạt động hỗ trợ cho người lao động thuộc phạm vi thị trường lao động nên hoàn toàn khác với việc đánh giá, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề cho người học nghề trong các cơ sở đào tạo. Từ đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Dự án Luật việc làm cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; đồng thời ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự án luật các quy định về nguyên tắc kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.

Cũng trong ngày hôm qua (19.6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường xem xét, biểu quyết thông qua 5 dự án Luật về giáo dục quốc phòng - an ninh, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Dù tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc chuyển quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về Dự án Luật việc làm, nhưng một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu vấn đề: Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động là cần thiết bởi đây là lực lượng lớn, dễ tổn thương, cần bảo đảm quyền lợi về việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Đại biểu Phúc cũng đề nghị dự án luật chỉ nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Còn đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) khẳng định: Dự án luật chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc thì không nên quy định trong luật mà do các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để thực hiện. Khi có đủ điều kiện thì mới đưa vào quy định trong Dự án Luật việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem