Vừa đặt chân đến thủ đô Vienna được 2 ngày, tôi đã phải tìm người quen nhờ xin học cho con trai. Trường Bilrothgymnasium ở quận 19 đã bước vào dịp nghỉ hè, chỉ còn lại bộ phận hành chính đang làm những công việc cuối cùng của năm học.
|
Đức (phải), học sinh người Việt trao đổi bài với bạn cùng lớp. |
Xin học cho con
Gặp cô thư ký ở văn phòng, sau khi nghe tôi đề nghị xin học cho con, cô xem hồ sơ, nhìn lịch công tác rồi viết cho tôi một phiếu hẹn. Theo giấy hẹn, đúng 1 tuần sau chúng tôi trở lại. Thấy tôi, cô thư ký nở nụ cười tươi rói, nhìn đồng hồ nói: “Còn 7 phút nữa”. 10 giờ 30, cô thư ký mở cửa phòng hiệu trưởng, mời chúng tôi vào.
Vừa bước vào phòng đã nghe thấy tiếng nhạc êm dịu của bản giao hưởng cổ điển và mùi thơm nhẹ nhẹ từ lọ hoa tươi được cắm rất kiểu cách trên bàn làm việc. Bà hiệu trưởng khoảng 50 tuổi, tóc màu bạch kim, dáng vẻ lịch lãm. Cũng như cô thư ký, bà đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện.
Bà cảm ơn tôi đã chọn Trường Bilroth để cho con học. Bà nói đã xem kỹ hồ sơ của cháu, nhưng chưa thể nhận ngay được, rồi giải thích rằng mỗi lớp chỉ được biên chế từ 15 - 20 học sinh. Các lớp khối lớp 6 (tương đương lớp 10 của Việt Nam mà tôi dự định xin cho con học), số học sinh đã ở mức tối đa. Tuy nhiên sau hè sẽ có đợt thi lại, có thể có học sinh phải ở lại lớp và có thể có học sinh chuyển trường khác, lúc đó bà mới quyết định.
Bà hẹn 8 giờ 30 ngày 5.9 gặp lại (2 tháng sau), bà sẽ có quyết định cuối cùng. Sau đó bà mở cuốn lịch bàn ghi nội dung cuộc hẹn và giới thiệu cho chúng tôi một số địa chỉ trường khác để liên hệ. Tôi đề nghị bà viết giấy hẹn. Nở nụ cười, bà bảo “tôi không quên đâu”. Nói rồi bà đứng dậy, đưa tấm danh thiếp, bắt tay từng người, vỗ vỗ vào vai cậu con trai tôi bảo: “Cần sự giúp đỡ thì điện thoại cho tôi nhé”.
Cẩn thận và chu đáo
2 tháng sau, chúng tôi đã có mặt theo hẹn của bà hiệu trưởng. Không khí của năm học mới tấp nập, ở sân trường, bọn trẻ ríu rít chuyện trò, tại văn phòng có gần 20 người cả học sinh và người lớn đứng sắp hàng trước bàn thư ký. Cô thư ký làm việc tất bật, lúc thì giải thích điều gì đó, lúc thì in tài liệu đưa cho học sinh... nhưng không quên đánh mắt về phía chúng tôi, nở nụ cười thay lời chào và ra hiệu cho chúng tôi đợi. Ở một góc phòng, có bộ bàn ghế và lọ hoa xinh xắn, cũng có mấy người đang ngồi chờ.
Hơn 20 phút trôi qua, còn khoảng 1 phút nữa đến giờ hẹn, nhưng không thấy cô thư ký đả động gì. Sốt ruột, tôi định đứng lên gõ cửa phòng hiệu trưởng. Anh bạn đi cùng kéo lại bảo, cứ bình tĩnh. Chưa nói dứt câu, cửa phòng hiệu trưởng mở, một người bước ra và theo sau là bà hiệu trưởng. Bắt tay chào khách xong, bà hiệu trưởng quay về phía chúng tôi: “Come in, please”.
Vẫn tiếng nhạc giao hưởng êm dịu và mùi hoa phảng phất... Sau một vài câu xã giao, bà thông báo nhận con tôi vào học và đưa ra một số thông tin để chúng tôi lựa chọn. Bà bảo, khối 6 có 4 lớp, 1 lớp tự nhiên, 1 lớp kinh tế, 1 lớp ngôn ngữ và 1 lớp xã hội.
Bà khuyên nên cho cháu học lớp kinh tế, bởi ngôn ngữ của cháu còn hạn chế nên lớp đó sẽ phù hợp hơn. Ngay sau đó, bà gọi thư ký dẫn con tôi đi giới thiệu cơ cấu tổ chức của trường và đưa cháu vào lớp. Hai lần gặp hiệu trưởng, một lần gặp thư ký, tổng cộng gần 30 phút, con tôi đã trở thành học sinh của trường chuyên Gymnasium có tiếng của Vienna (như Trường THPT Chu Văn An ở Hà Nội).
Trường hợp của Hưng - bạn con trai tôi, còn đơn giản hơn nhiều. Hưng kể, trước đây học lớp 11 tại Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Năm 2007, Hưng theo bố mẹ sang Áo và xin vào học tại Trường Gymnasium ở quận 21 Vienna. Hôm gặp thầy hiệu trưởng, nộp hồ sơ, thầy bảo không cần. Thầy ra cho Hưng đề toán để giải. Đưa kết quả cho thầy, xem xong, thầy đồng ý nhận luôn.
Hệ thống giáo dục tại Áo
I. Tiểu học (Grundschule - học 4 năm).
II. Sau khi học hết tiểu học thì phân làm 2 loại:
1. Học sinh giỏi được chọn vào học hệ Gymnasium (như hệ thống trường chuyên ở VN, theo thống kê chỉ có khoảng 30% học sinh được vào hệ Gymnasium). Hệ Gymnasium học 8 năm, và được chia thành 2 giai đoạn, (mỗi giai đoạn 4 năm). Học hết lớp 8, thi tốt nghiệp lấy bằng Matura. Có bằng, học sinh được đăng ký vào học đại học (có một số trường tổ chức thi tuyển).
2. Số học sinh còn lại học hệ Hauptschule (như cấp II đại trà ở VN nhưng mang tính định hướng nghề, thời gian học 4 năm) hoặc các trường thể thao, âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp thì phân làm 3 loại: Học nghề (Berufsschule, thời gian học 3 năm). Sau 5 năm làm việc được thi lấy bằng Meister, nếu có nhu cầu thì được học tiếp đại học; Học CĐ (vừa học văn hóa, vừa học nghề trong 5 năm, tốt nghiệp có bằng CĐ tương đương bằng Matura. Học sinh có bằng được đi làm hoặc được đăng ký học tiếp ĐH. Cũng có trường chia thành 2 giai đoạn, kết thúc 3 năm thi tốt nghiệp có bằng trung cấp); Học sinh giỏi, nếu có nguyện vọng được chuyển vào hệ Gymnasium, học 4 năm, thi tốt nghiệp lấy bằng Matura để học tiếp ĐH.
Kỳ II: Ngôi trường trong mơ
Lê Chiên (từ Vienna, Cộng hòa Áo)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.