Con tôm đem về hơn 1.400 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh xây dựng tổ hợp tác nuôi tôm
Con tôm đem về hơn 1.400 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh xây dựng tổ hợp tác nuôi tôm theo chuỗi giá trị
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 30/06/2023 05:41 AM (GMT+7)
Mới đây, tại TP.Cẩm Phả, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lễ thả giống xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
Đây là mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thuộc đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì.
Thả 60.000 con tôm giống
Mục tiêu chung của đề án trong năm 2023 là thí điểm thành công 2 chuỗi liên kết trong nuôi tôm nước lợ; góp phần thực hiện thành công Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất theo phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau; xây dựng được 4 mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 4 phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm - lúa, tôm - rừng, tôm trên cát, tôm công nghiệp quy mô nhỏ) tại 8 tỉnh ven biển, đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau.
Tổ chức đào tạo tấp huấn nâng cao năng lực cho trên 120 cán bộ HTX/THT và người sản xuất; thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2023, Liên hiệp Tổ hợp tác nuôi tôm quy mô nhỏ xã Cộng Hòa đã được thành lập với mục tiêu xây dựng thành công chuỗi liên kết 5 nhà, gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, người nuôi; nhà cung ứng giống; nhà cung cấp thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm.
Theo tiến trình đề án, tại Quảng Ninh dự kiến sẽ thả giống tôm trong 3 đợt. Đợt 1 ngày 27/6 các đơn vị đã tiến hành thả 60 vạn giống hỗ trợ cho 2 tổ hợp tác là thành viên của Liên hiệp Tổ hợp tác nuôi tôm quy mô nhỏ xã Cộng Hòa. Đợt 2 dự kiến ngày 12/7/2023 quy mô 2ha với 160 vạn tôm giống; đợt 3 quy mô 2 ha với 160 vạn tôm giống.
Xã Cộng Hòa là địa phương có tiền đề nuôi tôm lâu năm và đây cũng là tổ hợp tác nuôi tôm đầu tiên được thành lập tại địa phương.
Dưới sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vào tháng 2/2023, các thành viên tham gia mô hình đã được tập huấn kiến thức, được hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi tôm nhằm giảm chi phí mua giống, thức ăn, đồng thời đảm bảo ổn định đầu ra, giúp con tôm trở thành một sản phẩm thương mại có chỗ đứng vững trên thị trường và tăng lợi nhuận cho người nuôi.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong năm đầu tiên (2022) thực hiện đề án, trung tâm đã tiến hành điều tra, đánh giá các mối liên kết ngang, liên kết dọc theo các phương thức nuôi tôm nước lợ (tôm - lúa, tôm - rừng). Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng. Sơ kết quá trình xây dựng thí điểm mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 2 phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm - lúa, tôm - rừng) tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Tại các mô hình này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết theo chuỗi giá trị tôm. Mô hình liên kết 6 nhà, gồm: nhà quản lý - nhà khoa học - người nuôi - nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản - cơ sở thu gom - cơ sở chế biến.
Đồng thời, trung tâm tổ chức tập huấn cho các cơ sở, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng theo chuỗi. Thực hiện chuyển giao công nghệ, mỗi tỉnh đào tạo tập huấn 6 kỹ thuật viên kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn các cơ sở thực hiện theo VietGAP.
Giúp nông dân nắm vững kỹ thuật
Phát biểu tại buổi lễ thả tôm giống ở xã Cộng Hòa, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định việc triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sẽ góp phần hỗ trợ người dân kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường nước..., từ đó tăng năng suất và sản lượng tôm.
Để mô hình đạt được các tiêu chí đề ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục cắt cử cán bộ giám sát mô hình, đồng thời phối hợp với các nhà cung ứng vật tư đầu vào tổ chức tập huấn với các nội dung: Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Copefloc; ứng dụng chế phẩm vi sinh trong quản lý môi trường và phòng trị bệnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng; giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm; nghiệp vụ quản lý, năng lực xây dựng và quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường; áp dụng VietGAP tại mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác theo chuỗi giá trị; hướng dẫn sử dụng cụ quan trắc, quản lý môi trường; hướng dẫn ghi hồ sơ, sổ nhật ký mô hình.
Từ chỗ chỉ nuôi thử theo hình thức quảng canh cải tiến, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hàng nghìn ha ao, đầm được đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp. Với diện tích 7.000ha, trong đó có 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng, Quảng Ninh trở thành tỉnh nuôi tôm lớn nhất miền Bắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.