Lola 35 tuổi hiện sống ở Geneve (Thụy Sỹ) và là Đại sứ của Uzbekistan ở UNESCO tại Paris (Pháp) và sống trong một tòa biệt thự xây tốn 29 triệu bảng. Cô đồng ý trả lời email cuộc phỏng vấn của BBC. Trước đây cô tránh tiếp xúc với giới truyền thông, sau khi cô kiện một báo điện tử Pháp gọi cô là “con gái gã độc tài” hồi năm 2011.
Nam ca sĩ Sting ngồi xem biểu diễn thời trang cạnh Gulnara
Chị em tránh mặtLola cho biết từ 12 năm qua, cô không hề nói chuyện với bà chị ruột Gulnara, và cô luôn thu xếp mỗi năm chỉ về nước 2,3 lần để sao không trùng với thời điểm bà chị đang ở Uzbekistan: “Chúng tôi chưa bao giờ giấu chuyện này với bất kỳ ai…Chúng tôi chẳng hề có sự liên lạc kiểu gia đình hay bạn bè, thậm chí chúng tôi chẳng thèm nhìn mặt nhau khi có những sự kiện của gia đình”.
Gulnara 41 tuổi hiện là ca sĩ nhạc pop kiêm nhà tạo mẫu thời trang, bên cạnh đó điều hành các công ty mỹ phẩm và kim hoàn, và điều hành nhiều tổ chức từ thiện. Năm ngoái, cô lấy nghệ danh GooGoosha để song ca với nam tài tử điện ảnh Pháp Gerard Depardieu. Gần đây cô là Đại sứ Uzbekistan ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva kiêm Đại sứ ở Tây Ban Nha.
Trong thực tế, hai chị em có những điểm giống nhau: lối sống xa hoa, giao du với các nhân vật nổi tiếng phương Tây và họ đều tự hào chuyện vung tay làm từ thiện. Gulnara, Lola cùng người chồng Timur có tên trong danh sách những người giàu nhất Thụy Sỹ. Nhưng xem ra tính đố kỵ, không ưa nhau đã đè lên tình chị em. Lola nói: “Bất kỳ mối quan hệ tốt nào đều đòi hỏi sự giống nhau về ngoại hình hoặc tính cách. Quan hệ của chúng tôi chẳng được như thế”. Cô nói hai người hoàn toàn khác tính cách từ lúc còn bé.
Lola ở Liên hoan phim Cannes (Pháp)
Chị cả kế ngôi cha?Lola không mê chính trị, chỉ thích chăm lo cho gia đình. Nhưng cô đánh giá “cơ hội kế ngôi của bả rất mỏng”. Ông Karimov nay đã 75 tuổi nên có tin đồn về ai sẽ kế ngôi nếu ông chết hoặc quyết định về hưu. Vì ông điều hành Uzbekistan - từ sau khi độc lập khỏi Liên Xô năm 1991- bằng bàn tay sắt nên không có chính khách sáng giá nào “dám chờ trong cánh gà”. Gulnara 41 tuổi vì là cô con cả của ông Karimov nên được dự báo sẽ kế thừa chức tổng thống của cha.
Nhưng cô không được lòng dân và theo thông tin mật của ngành ngoại giao Mỹ Wikileaks “xì”, người Mỹ gọi cô là “nhân vật bị ghét nhất ở Uzbekistan”. Cô từng tốt nghiệp Đại học Harvard, được cha phong hàm đại sứ và theo tài liệu mật gửi về Mỹ, ông Karimov bị gọi là “Nam tước ăn cướp”. Một tài liệu khác bị “xì” cũng kể cách đây 9 năm, hai chị em cùng đi dự tiệc tại một hộp đêm do Lola làm chủ ở thủ đô Tashkent: “Lola lái chiếc xe thể thao Porsche Cayenne S đến lúc 22 giờ và lần nọ, người chị Gulnara đến chơi lúc 3 giờ sáng”.
Có lẽ đây là cách Lola công khai cách ly với bà chị, vì Gulnara bị dính vào nhiều cuộc điều tra tham nhũng tầm quốc tế. Phe chỉ trích tố cáo cô nắm một “đế chế làm ăn” ở Uzbekistan, nhưng cô phủ nhận. Còn có tin cảnh sát Pháp đã khám xét các ngôi nhà của cô và Thụy Sỹ đang điều tra nghi án cô tham nhũng. Lola nói không biết cha có biết những cáo buộc này hay không, vì cô không bao giờ nói chuyện chính trị với cha. Cô bảo vì đau đớn khi bị gọi là “con gái của gã độc tài” mà cô kiện báo điện tử Đường 89 ở Pháp: “Tôi muốn được xem là người có quan điểm, lập trường riêng”.
Lola thua kiện, vì có những nhân chứng xác nhận Karimov đã ra lệnh giết hàng trăm người dân trong vụ thảm sát ở thành phố Andijan năm 2005. Các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo Karimov “luộc sống” các đối thủ chính trị và nạn tra tấn tràn lan ở các nhà tù Uzbekistan. Hồi tháng 6, ông từng nói người dân qua Nga tìm việc làm là “bọn lười biếng” và ông cảm thấy “ghê tởm lũ người qua đó chỉ vì một lát bánh mì mỏng”.
Lời của ông Karimov quá đáng, trong khi hai con gái sở hữu dàn xe sang, biệt thự khắp châu Âu và tiệc tùng “vô tư”, hàng triệu người dân làm việc vất vả ở các công trình xây dựng, bán sức lao động chân tay ở Nga để có chút tiền gửi về gia đình nghèo ở Uzbekistan (một trong những nước nghèo nhất Trung Á). Karimov còn bị tố cáo buộc cả trẻ em vào mùa hè phải đi hái cây bông vải mà chỉ được lãnh ít tiền công, thậm chí chẳng được trả xu nào. Lola tuyên bố: “Tôi phản đối bất kỳ hình thức bóc lột nào. Tôi khó kiểm chứng được việc này nhưng sẽ rất đáng tiếc nếu có chuyện đó”.
Diên Hy (Thế giới & Hội nhập/ Guardian) (Diên Hy (Thế giới & Hội nhập/ Guardian))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.