Làng nhiều người ốm
Ông Vũ Đình Ngọc – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Vân (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết, ông không tin vào khả năng chữa bệnh bằng hát hoặc bắt tay của bà Chanh. Càng khó tin khi nghe về việc bà Chanh chữa được bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo “bởi nếu như vậy, dân xã Thanh Vân trường sinh bất lão hết” - ông Ngọc nói.
Người dân lũ lượt xếp hàng chờ bà Chanh bắt tay.
Theo ông Ngọc, 9 tháng đầu năm 2013, toàn xã vẫn có 3.400 lượt người đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Không ít bệnh nhân đã phải chuyển lên tuyến trên. Ông Ngọc cũng cho biết, ngay cả bố đẻ bà Chanh là cụ Phan Văn Thủy (75 tuổi), cũng vẫn thường xuyên qua trạm y tế xã tiêm vì bị đau dây thần kinh. Còn mẹ bà Chanh bị suy nhược cơ thể, cũng thường mời cán bộ y tế về truyền dịch cấp cứu tại nhà cho... kín đáo. Con của em trai bà Chanh bị tim bẩm sinh, cũng phải đi mổ, chạy chữa rất tốn kém.
"Đa phần người dân xã Thanh Vân đều không tin vào câu chuyện hoang đường của Chanh. Những người tin mê muội chủ yếu là người ngoại tỉnh. Nếu cô Chanh có phép tiên thần kỳ như vậy, tại sao người nhà cô vẫn phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của các bác sĩ?”. Ông Vũ Đình Ngọc
|
Chỉ riêng khả năng “xoay thai ngược” của bà Chanh, ông Ngọc cho biết, 99% số thai nhi sẽ tự xoay vào ngày cuối thai kỳ, không cần phải “phép lạ” nào cả. Ngoài ra, ngay cả con dâu thứ hai của bà Chanh cũng phải đi viện mổ vì thai ngược.
“Trong năm vừa qua, xã Thanh Vân đã có 14 người chết vì ung thư (trong tổng số 30 ca tử vong các loại), trong đó riêng thôn Viên Du đã có 6 người chết, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày. Nếu bà Chanh chữa được ung thư thì họ đã không chết” – ông Ngọc cho biết.
Theo ông Ngọc, điều nguy hại nhất cho người bệnh khi tin bà Chanh chính là bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh. Một nhân viên y tế ở Trạm Y tế xã Thanh Vân cho biết, chị có người bạn bị ung thư vú giai đoạn đầu, u mới to như hạt lạc nhưng không đi chạy chữa mà cứ mê muội đến nghe cô Chanh hát và uống thuốc lá linh tinh. Hơn 1 năm sau bệnh nặng, đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại thì đã ung thư giai đoạn cuối, chẳng bao lâu thì mất. “Nếu đến bệnh viện điều trị thì đã sống rồi. Ung thư vú giai đoạn đầu có khả năng chữa khỏi đến 90% cơ mà...” – nhân viên này nuối tiếc.
Chính quyền bó tay“Chúng tôi hoàn toàn không tin vào khả năng chữa bệnh của bà Chanh, nhưng chúng tôi bối rối, không biết xử lý thế nào” – vừa được hỏi, ông Nguyễn Công Lượng – Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, đã lắc đầu ngán ngẩm.
Điều 25, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân nêu rõ: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân thực hiện các hành vi: Thực hiện không đúng quy định trong chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân; sử dụng các hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.
|
Theo ông Lượng, ngay từ năm 2010, xã đã báo cáo với các cơ quan chức năng về trường hợp của bà Chanh. Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm cả đại diện UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh, Công an tỉnh đã về xã làm việc. Xã đã cho mời bà Chanh lên để yêu cầu chấp hành quy định của Nhà nước về khám chữa bệnh, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Tuy nhiên, bà Chanh không nhận mình đã tổ chức khám chữa bệnh, bốc thuốc, mà chỉ cho rằng “người dân đến nghe cô hát”, còn các bọc thuốc mà người dân mua về chỉ là “hoa lá cỏ cây” chứ không phải thuốc. Ngay tại buổi làm việc, rất đông người dân đã tụ tập, tỏ ý ủng hộ bà Chanh, gây khó khăn cho chính quyền.
Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành quay lưng đi, việc hành nghề của bà Chanh lại tiếp tục, nhưng chính quyền không biết xử lý thế nào, do lo ngại có sự đụng độ với người dân. Ông Lượng cho biết, bà Chanh học với ông từ cấp 2 và hoàn toàn không có năng lực kỳ lạ nào cả. Sự “kỳ tài” của bà Chanh không hề được khoa học chứng nhận, tất cả chỉ là những lời đồn thổi, truyền từ người nọ qua người kia, một đồn mười, mười đồn trăm. Đã thế, một nhà khoa học có uy tín như ông Nguyễn Phúc Giác Hải và một số người nhận mình là nhà ngoại cảm, đã đến đánh giá, viết bài về bà Chanh, in thành quyển phát cho nhiều người, khiến cho “uy tín” của bà Chanh càng được củng cố.
Ông Lượng lôi ra cho chúng tôi một loạt tài liệu, băng đĩa mà có người đã gửi đến tận xã cho ông. “Tôi không tin, không đọc. Người dân xã tôi khi ốm vẫn phải đến trạm y tế, đi bệnh viện. Các chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe vẫn phải tổ chức thực hiện. Nếu đích thực có “cô tiên” như vậy, chắc xã tôi đã không còn người ốm” – ông Lượng cho biết. Ông Lượng rất mong cơ quan chức năng vào cuộc và tìm cách giúp xã dẹp bỏ hoàn toàn việc khám chữa bệnh của bà Chanh.
Nhóm Phóng Viên (Nhóm Phóng Viên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.