Không chấp nhận… "trường làng"
Con trai chị Nguyễn Thị Yến (Kim Chung - Hoài Đức - Hà Nội) tháng 9 năm nay sẽ bước vào lớp 1. Chồng chị Yến là con trai duy nhất trong nhà, nên việc học của thằng cháu “đít tôn” được bố mẹ chồng và các chị gái chồng rất coi trọng. Ngay từ Tết, việc cho con vào học tiểu học ở trường nào đã làm vợ chồng chị Yến hết sức mệt mỏi.
Chị Yến cho biết, bố mẹ chồng nhất quyết không cho cháu học trường làng, ông bà đòi vợ chồng phải lo xin cho con lên học Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy - Hà Nội) hoặc không xin được trường công thì học trường Đoàn Thị Điểm. Lý do ông bà đưa ra là có mỗi cháu đích tôn, cho học trường làng thì sau này không thể khá lên được.
"Từ nhà vào nội thành 17 - 18km, khi hai vợ chồng than thở đi lại đưa đón con quá xa thì ông bà nội bàn nhau cho cháu nhập khẩu vào nhà ông chú ở phường Nghĩa Tân rồi gửi cháu học ở đó, cuối tuần đón về. Mặc dù không muốn nhưng ông bà nội quyết thế, vợ chồng cũng chưa biết phải làm thế nào”, chị Yến thở dài.
Chọn trường cho con là bài toán đau đầu của nhiều gia đình (ảnh minh họa).
Tương tự, chọn trường cho con vào lớp 1 cũng là câu chuyện khá đau đầu với gia đình chị Hoàng Lan Anh ở TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Tuy có "mác" thành phố, nhưng nhà chị Lan Anh lại ở ngoại thành. Nếu đúng tuyến, con chị sẽ học ở trường tiểu học chỉ cách nhà 500m. Tuy nhiên, chị Lan Anh muốn con “tiếp cận” với trường điểm, giáo viên giỏi ngay từ những chữ cái đầu tiên để có đà phát triển. Được đồng nghiệp mách, chị gửi hồ sơ xin học trái tuyến vào một trường tiểu học có tiếng ở phường Tân Bình - TP.Hải Dương.
Chị Lan Anh cho biết: “Giá nhận hồ sơ đã là 6 triệu đồng, nhưng “cò” cho biết trường chưa tuyển sinh mà hồ sơ xin học đã rất nhiều, chưa chắc con mình đã có suất”.
Gánh nặng chạy trường
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, chạy đua để chọn trường cho con là một sai lầm của rất nhiều phụ huynh, sai lầm ấy sẽ tạo nên gánh nặng cho gia đình và cả đứa trẻ.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, phụ huynh không nên chọn trường cho con vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Điều này sẽ tạo nên sức ép không chỉ cho bố mẹ mà con cho chính bản thân các em.
Ông Hùng phân tích, việc đầu tư cho giáo dục là lâu dài, vì vậy nếu bố mẹ đuối về kinh tế lại muốn cho con học ở những trường có học phí cao, khi tài chính có vấn đề, con sẽ phải chuyển trường, lúc đó sự xáo trộn trường lớp trẻ nhỏ phải gánh chịu. Ngoài ra, nếu chọn trường không phù hợp với khả năng của các con sẽ khiến cho trẻ đuối dần vì phải chạy đua kiến thức, dần dà khiến các con mặc cảm, tự ti, sống khép mình.
Trong khi đó bà Phạm Thị Cúc Hà - hiệu trưởng một trường mầm non - khuyên, chọn trường điểm, trường top là không sai, nhưng sai lầm ở chỗ bố mẹ cần phải xác định được môi trường đó có phù hợp với con mình hay không?
Theo bà Hà, nếu không có nhiều thời gian cho con thì nên chọn một môi trường con sẽ được hoạt động văn hóa nhiều hơn. Hoặc nếu con có năng khiếu tiếng Anh, nên chọn trường song ngữ để con phát triển. Ngoài ra còn có rất nhiều kỹ năng cần trang bị cho con trước khi vào môi trường mới, việc này còn quan trọng hơn nhiều vấn đề chọn trường.
“Phụ huynh cần cân nhắc 3 tiêu chí khi chọn trường cho con đó là: Con có thích trường đó không? Trường đó có an toàn không? Có gần nhà không? Ở độ tuổi tiểu học, trẻ vẫn cần được chăm sóc, vui chơi và học các kỹ năng sống nhiều hơn là học kiến thức”, TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.