Hàng xóm đều biết chuyện ông bị con hắt hủi, hết xích trong bếp, ngoài hành lang rồi nhốt trong “chuồng”. Hai người trực tiếp “chăm sóc” ông suốt bốn năm qua là vợ chồng con trai út Nguyễn Văn Đởm và Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang).
|
Ông Chính nhìn ra khung cửa sổ từ “phòng giam“. Con dâu ông Chính mở cánh cửa nơi nhốt cha chồng - Ảnh: THÀNH BẮC (Tuổi Trẻ). |
Anh Đởm không có ở nhà, chúng tôi năn nỉ cả buổi chị Kim Anh mới đồng ý cho tiếp xúc với ông Chính. Cửa “chuồng” nơi nhốt ông Chính lúc nào cũng được khóa chặt. Phía trên cao có chừa một cái lỗ để đưa cơm nước vào.
Nhốt cha vì sợ “mất mặt”
Khi chị Kim Anh mở cửa, mùi nước tiểu, phân xông ra nồng nặc. Ông Chính nói với chúng tôi ông không hề bị bệnh tâm thần. Ông cũng muốn dọn dẹp nơi ông ở cho sạch sẽ nhưng con ông không đưa nước vào nên ông phải chấp nhận cảnh này. Có duy nhất một cửa sổ có song sắt để ông có thể nhìn ra ngoài trời.
Theo chị Kim Anh, ông Chính thường bỏ nhà đi, nói năng lung tung và có lần đụng chạm, bậy bạ với con dâu nên các con ông nghĩ ông bị ma nhập. Họ đã đưa ông đi thầy bà chữa trị nhưng không khỏi nên mới xiềng lại, sau đó thì nhốt luôn “để thiên hạ đừng đàm tiếu”.
Khi chúng tôi hỏi ông Chính đụng chạm, bậy bạ với con dâu cụ thể là làm gì, chị Kim Anh bảo: “Ổng ôm”. Một người cháu của ông Chính cho biết ông Chính ôm con dâu một lần cách đây hơn bốn năm. Anh Đởm phát hiện và xích ông lại từ lúc đó.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Chính không có biểu hiện gì của người bị bệnh tâm thần. Ông nhớ hết mọi chuyện, nhớ tên những người hàng xóm. Ông kể: “Tụi nó (con ông) lấy dây xích trói chân tui trong nhà bếp để tui không đi đâu được. Tui bị xích ở nhà bếp suốt ba năm trời, buồn lắm chứ. Khoảng một năm nay tụi nó mở dây xích cho tui nhưng lại tống tui vô chuồng này, còn khổ hơn nữa. Tui biết mình sẽ sống ở đây và chết cũng ở chỗ này”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Khương (con trai thứ ba) và anh Nguyễn Văn Sơn (con trai thứ năm) nói: “Chắc ổng bị bệnh tâm thần rồi. Chúng tôi xiềng, nhốt ổng lại để không quấy rối người khác và an tâm làm ăn”.
Khi chúng tôi hỏi: “Các anh đối xử với đấng sinh thành của mình như vậy có thấy ray rứt không?”, hai người này tỏ vẻ giận dữ rồi nói: “Chúng tôi đâu có muốn vậy. Tại nhà nghèo, không thể đi tìm ổng nên phải nhốt thôi”.
Ông U.H. nhà ở gần nói: “Dù ông Chính có khùng có điên đi chăng nữa thì các con không thể làm như vậy được. Chúng tôi từng chứng kiến ông Chính bị đứa con trai út dùng dây xích buộc ngoài hành lang cho thiên hạ nhìn. Có lần, Đởm dùng dây buộc hai tay ông Chính treo lên cao và kéo lên kéo xuống hành hạ ông trước sự chứng kiến của hàng chục người vì “tội” đã dám đụng tay vào vợ mình”. Không chỉ vậy, có lần Đởm còn bắt hai con mình nắm dây xích dắt ông Chính (ông nội) đi lòng vòng.
Bỏ đói, bỏ khát
Công an xã: đó là chuyện nội bộ gia đìnhÔng Lê Hoàng Giang, trưởng Công an xã Hậu Thành, cho biết cách đây vài tháng ông có đến gia đình ông Chính vận động các con thả ông ra nhưng họ không đồng ý.
Theo ông Giang, chuyện các con nhốt cha là chuyện nội bộ của gia đình nên công an xã chỉ động viên thôi chứ không xen vào được.
“Ông Chính thường bị bỏ đói, bỏ khát. Có cho ăn cũng chỉ là cơm trắng với muối. Lâu lâu, ai cho gì thì ông ăn nấy. Có bữa hàng xóm cho ăn và lén nhìn qua khe cửa thì thấy ông ngồi cạnh đống phân mà ăn. Còn việc tắm rửa và vệ sinh thì bị bỏ bê” - bà Phan Thị Thạnh, tổ trưởng phụ nữ của đội 5, ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, khẳng định.
Theo bà Thạnh, ở đây ai cũng bức xúc trước chuyện ông Chính bị nhốt nhưng không ai dám nói vì bảy đứa con ông rất hung dữ. Ai nói tới chuyện ông Chính bị xiềng, bị nhốt như vậy là không phải đạo thì bị họ chửi ngày này qua ngày nọ.
Đại tá Trần Văn Khấu, một cựu chiến binh sống gần nhà ông Chính, khẳng định ông Chính không hề mắc bệnh tâm thần. Chỉ vì ông Chính tương tư bà vợ sau, hay bỏ nhà đi tìm nên bị các con bỏ đói và xích lại.
Ông Khấu nói: “Ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, đáng lẽ ông Chính phải được các con phụng dưỡng từng chén cơm, ly nước, vậy mà giờ ông phải sống trong cảnh còn thua ở tù. Ở tù còn có người đưa cơm đúng giờ, đi vệ sinh còn có nước giội, ngủ còn có mền đắp. Còn ông Chính thì không được tắm giặt, có bữa được ăn, bữa nhịn đói, nhịn khát vì con không đưa cơm nước”.
Vợ ông Chính mất cách đây 29 năm. Khoảng mười năm trước, ông có quen và sống chung với một người phụ nữ khác. Được một thời gian, người vợ này bỏ đi lấy chồng khác. Từ đó, ông tương tư và hay đi tìm. Theo các con ông Chính, ông cũng hay đi theo phụ nữ trong xóm nên làm họ mất mặt. Thế là họ đồng ý để Đởm xiềng xích và nhốt cha mình như vậy.
Ông Trần Hữu Thanh, phó chủ tịch UBND xã Hậu Thành, nói ông không biết chuyện ông Chính bị các con xiềng, nhốt (nhà ông Chính chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 500m). Khi nhận được thông tin từ phóng viên, ông Thanh liên tục gọi điện cho trưởng ấp hỏi chuyện. Ông Thanh nói: “Chúng tôi có cử trưởng ấp và chú Sáu Khấu (ông Trần Văn Khấu) đến động viên gia đình chở ông đi bệnh viện tâm thần khám. Nghe báo lại là ông Chính không bị bệnh”.
Về việc này, chị Kim Anh cũng xác nhận gia đình đã đưa ông Chính đi khám bệnh tâm thần cách đây hơn một năm nhưng bác sĩ bảo ông không bị bệnh.
Ông Thanh nói: “Tuần sau sẽ tới nhà ông Chính xác minh. Nếu đúng sự thật ông Chính đang bị nhốt thì chúng tôi cho họp dân để khuyên anh Đởm thả ông ra. Vì đây là vấn đề đạo đức nên UBND xã chỉ khuyên răn thôi chứ rất khó xử lý”.
Đủ cơ sở xử lý tội ngược đãi và bắt giữ người trái pháp luậtLuật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang) cho rằng các con của ông Chính, đặc biệt là người con sống chung, đã phạm tội ngược đãi cha mẹ rất rõ ràng. Ông Chính có sai trong việc sàm sỡ con dâu thì các con ông nên nói với ông hoặc nhờ chính quyền giải quyết chứ không thể thay mặt luật pháp “xử” ông theo kiểu xã hội đen như vậy được. Hành vi này vừa trái pháp luật vừa trái đạo lý.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng, lẽ ra chính quyền phải vào cuộc ngay từ đầu. Việc tày đình như vậy mà chính quyền làm ngơ thì có thể bị xem xét vì hành vi dung túng, bao che cho các con ông Chính.
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.