Công an Nghệ An truy tìm người tung tin vỡ đập thủy điện Bản Vẽ

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 31/08/2018 16:17 PM (GMT+7)
Sáng nay 31.8, thông tin vỡ đập thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) khiến cho hàng nghìn người dân ở huyện Tương Dương, Con Cuông hoảng loạn, hối hả chạy lên núi thoát thân. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là việc xả lũ ở mức lớn tại thủy điện này.
Bình luận 0

Chiều ngày 31.8, trao đổi với Dân Việt, Thượng tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương, cho biết đơn vị này đã tiến hành điều tra và phát hiện được một số đối tượng tung tin đồn vỡ đập thủy điện Bản Vẽ vào sáng cùng ngày.

“Ngay sua khi xuất hiện tin đồn đập thủy điện Bản Vẽ bị vỡ khiến nhiều người dân hoang mang, chúng đã vào cuộc điều tra. Đến thời điểm hiện nay đã xác định được một số đối tượng nghi vấn. Đơn vị hiện đang làm rõ cả những người tung tin trên mạng xã hội lẫn truyền miệng”, Thượng tá Trần Phúc Tú cho hay.

Cũng theo Thượng tá Trần Phúc Tú, chúng tôi sẽ làm rõ hậu quả để đưa ra các hình thức xử lý. “Nếu xét thấy hậu quả của việc tung tin đồn này là nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự. Còn không sẽ xử phạt hành chính”.

img

Công an huyện Tương Dương đã xác định được những đối tượng thông tin thất thiệt về vỡ đập thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Cảnh Thắng

Trước đó, sáng 31.8, nhiều tài khoản Facebook đồng loạt tung tin vỡ đập thủy điện Bản Vẽ. Cùng thời điểm này, lượng nước đổ về vùng hạ du rất lớn khiến người dân hoảng loạn. Hàng trăm người dân ở huyện Tương Dương, Con Cuông hối hả chạy lên núi lánh nạn. Nhiều người chỉ đưa nhưng vật dụng cần thiết chạy lên núi thoát thân.

Tuy nhiên, những thông tin trên ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã bác bỏ, nhưng việc xả lũ ở thủy điện Bản Vẽ là lớn nhất từ trước đến nay với hơn 4.200m3/s. Lượng xả lũ như vậy khiến cho cầu Bản Vẽ (xã Yên Na), bị gãy đôi. Sự cố này khiến Bản Vẽ bị cô lập hoàn toàn.

Theo VNExpress: 23h ngày 30/8, lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ đạt hơn 4.000 m3/s, nhà máy cũng tăng lượng xả hơn 4.000 m3/s. Đến 9h30 sáng nay, lượng nước đổ về hồ đạt đỉnh 4.200 m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200 m3/s. "Đây là mức xả lớn nhất kể từ lúc nhà máy đi vào vận hành (năm 2010)", ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Bản vẽ nói. Các năm 2011 đến 2014, nhà máy có xả nhưng chỉ từ 2.000 m3/s trở xuống.

Theo ông Hùng, lượng nước đổ về hồ đạt trên 4.000 m3/s chỉ có tần suất 50-55 năm mới xảy ra một lần. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần nay hồ thủy điện Bản Vẽ đã đạt lưu lượng này. Lần một là đợt lũ từ ngày 16 đến 18/8, lưu lượng đổ về hồ Bản Vẽ đạt 4.100 m3/s, do lúc đó hồ đang có dung tích phòng lũ nên chỉ xả với lưu lượng 2.000-2.500 m3/s để cắt lũ cho hạ du.

"Hai cơn lũ lớn dồn dập trong thời gian ngắn khiến nhà máy không kịp xả lũ để có dung tích phòng lũ", Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ nói.

img

Sáng nay cầu Bản Vẽ bị nước nhấn chìm, xô lệch và nguy cơ bị cuốn trôi trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Hải.

Theo thiết kế, đập chính và nhà máy thủy điện Bản Vẽ nằm ở đầu nguồn sông Cả thuộc huyện Tương Dương (Nghệ An). Công suất thiết kế của nhà máy là 320 MW (2x160 MW); mực nước bình thường là 200 m; dung tích hồ chứa nước 1,8 tỷ m3. Theo quy định khi mực nước trong hồ đạt 192 m (so với mực nước bình thường 200 m) thì bắt đầu xả lũ để hồ luôn có 300 triệu m3 phòng lũ. Bản Vẽ là thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, vận hành từ năm 2010.

Trưa nay, lũ từ Lào đổ về sông Nậm Nơn khiến xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) bị cô lập, 70 nhà bị nước ngập sâu có nơi 3 m, một số nhà bị sập. Ông Lang Văn Chánh, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn, cho biết nước lũ trên sông Nậm Nơn tại địa bàn xã Mỹ Lý cao hơn một mét so với đợt lũ ngày 16/8.

img

Bộ đội biên phòng cùng người dân di dời đồ đạc tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) sáng 31/8. Ảnh: Bùi Thượng.

Tại huyện Tương Dương, khoảng 200 nhà bị ngập, nhiều nhà phải tháo dỡ vì sạt lở. Quốc lộ 7 qua xã Tam Quang bị ngập sâu hơn 2 m khiến giao thông tê liệt. Cầu Bản Vẽ ở xã Yên Na bằng bê tông dài hơn 60 m; rộng hơn 6 m bị nhấn chìm, xô lệch và có nguy cơ bị cuốn trôi. 

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay ở lũ trung hạ du sông Cả đang lên. Dự báo đến tối 31/8, tại huyện Nam Đàn lên mức 5,2 m (dưới mức báo động 1 là 0,2m).

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn (sông Lam). Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Thủy điện này có công suất thiết kế 320 MW. Đập của thủy điện tạo ra hồ Bản Vẽ, diện tích mặt nước 8.700 km2. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực bắc miền Trung.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem