12 năm dạy học tình thương
“Sự nghiệp” dạy học tình thương của chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi, ở phường An Hòa) bắt đầu từ 12 năm trước. Ban đầu, chị tham gia dạy chữ cho trẻ vạn đò sông Hương tại một lớp học xóa mù trên đường Lê Lợi, TP.Huế. Sau đó, học trò theo gia đình chuyển lên sinh sống ở khu vực sông Hương, đoạn qua phường Phường Đúc, chị theo các em đến mở lớp ngay tại phường này.
|
Lớp học tình thương của chị Hồng và chị Huệ. |
Cách đây 3 năm, khi hơn 300 hộ dân vạn đò trên sông Hương được đưa về tái định cư tại phường Hương Sơ, chị lại theo về đây dạy chữ cho các em. Lớp học được mở ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu tái định.
Lớp học của chị Hồng thời điểm đông nhất có hơn 40 em từ 8 - 15 tuổi theo học. Tất cả các em đều thuộc diện chưa từng được đến trường hoặc phải bỏ học từ lớp 1 vì hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo. Sau khi chị Hồng mở lớp, chị Nguyễn Thị Huệ (44 tuổi) ở phường Tây Lộc cũng đến đây chung tay cùng chị dạy chữ. Nhờ đó, lớp học này phát triển thành lớp ghép, dạy cho trẻ em chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 4. Chị Hồng dạy lớp 1 và lớp 4, còn chị Huệ phụ trách lớp 2 và lớp 3.
Chị Hồng, chị Huệ đã học hết lớp 12, sức học thuộc loại khá. Khi tình nguyện mở lớp dạy chữ cho trẻ nghèo, các chị đã tự rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Ông Trần Quang Phước- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP.Huế nhận định: “Trẻ vạn đò thường không ở cố định nên tỷ lệ mù chữ rất cao. Nhờ 2 cô giáo, rất nhiều trẻ mù chữ biết đọc, biết viết. Lớp học mở ra, phòng giáo dục và trung tâm đã có kiểm tra chuyên môn, các chị dạy rất dễ hiểu, học sinh học có tiến bộ”.
Tại lớp học, chúng tôi gặp cô bé Lê Thị Kim Anh đang học lớp 2. Từ một cô bé mù chữ, giờ Kim Anh đã đọc thông viết thạo, học lực khá. “Ngày mô tụi mình cũng đến thật sớm và dạy các em đến trưa. Công việc tuy vất vả nhưng thấy ngày càng có nhiều em thành thạo cái chữ, tụi mình cũng quên đi mệt nhọc và thêm gắn bó với các em hơn”- chị Hồng kể. Nhằm động viên tinh thần hai cô, hàng tháng Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP.Huế hỗ trợ mỗi người vài trăm nghìn tiền xăng xe.
Vì cái tâm
Để có được lớp học tình thương ở khu tái định cư phường Hương Sơ, chị Hồng và chị Huệ phải mất rất nhiều công sức vận động trẻ em đến lớp. Nhiều học sinh trong lớp trước đây từng theo học chị Hồng tại phường Phường Đúc, nhưng khi về nơi ở mới, cuộc sống khó khăn hơn nên gia đình không cho đi học nữa. “Chúng tôi kiên trì vận động, đặc biệt là nói cho phụ huynh biết sự cần thiết của cái chữ, nên dần dần họ nghe theo rồi cho con em đi học”- chị Huệ kể.
“Nhiều người bảo tụi mình vô công rồi nghề nên lo việc người dưng. Nhưng mình làm việc này vì tình thương, vì cái tâm nên không bao giờ đắn đo thiệt hơn”.
Chị Nguyễn Thị Hồng
Để thu hút trẻ tới lớp, các chị phải bỏ tiền túi mua bánh kẹo. Việc truyền đạt kiến thức cho các em cũng phải tiến hành một cách đặc thù. “Trẻ em ở đây không thuần tính, mỗi em một hoàn cảnh nên tụi mình phải quan tâm từng em một, phải chỉ bảo cụ thể cho từng em, nên mất rất nhiều thời gian”- chị Hồng cho biết. Điều phấn khởi là công sức của các chị được học trò đền đáp xứng đáng bằng sự tiến bộ hàng ngày. Đến nay, lớp học đã giúp khoảng 60 trẻ em thiệt thòi từ chỗ mù chữ đã biết đọc, viết và làm toán chương trình lớp 1 đến lớp 4 thành thạo.
Chị Hồng tâm sự: “Lớp học giờ có thêm mục tiêu mới là giúp trẻ học cao hơn. Hết lớp 4, gia đình nào muốn cho con đi học lớp học chính thức, các cô sẽ hỗ trợ làm học bạ cho các em đi học tiếp”. Nhờ vậy, nhiều em sau khi theo các chị học chữ được gia đình cho vào học các trường tiểu học và có thành tích học tập khá, giỏi.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.