Công chức thêm tận tình, thân thiện...

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 12/09/2017 06:05 AM (GMT+7)
Sau gần 8 tháng thực hiện, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phát huy tác dụng trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Đồng thời, qua thực hiện, đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô ngày càng đảm bảo tính kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện.
Bình luận 0

Nhiều chuyển biến

Tháng 1.2017 UBND TP.Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội. Quy tắc gồm có 4 chương, 11 điều quy định cụ thể đối tượng, phạm vi điều chỉnh và hướng tới mục đích là  xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô (gọi chung là cán bộ, công chức– PV) theo hướng “Kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện”. 

img

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Muốn thực hiện tốt quy tắc ứng xử, việc đầu tiên phải lấy “cải cách” con người làm trọng. Chúng ta không chỉ quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, mà còn đòi hỏi họ cần có những hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tiếp xúc, làm việc với người dân”.

Ông Tô Văn Động –
Giám đốc Sở VHTTHà Nội

Bộ quy tắc được xem là kênh để định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Sau khi bộ quy tắc được ban hành, nhiều quận huyện, cơ quan trực thuộc TP.Hà Nội đã hưởng ứng thực hiện. Tại quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử tới 100% cán bộ, công chức, đồng thời tuyên truyền, vận động để đông đảo nhân dân trên địa bàn quận biết cùng thực hiện và giám sát thực hiện.

 Ông Hoàng Công Khôi – Bí thư Quận uỷ quận Hoàn Kiếm cho biết, quận yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, gắn với kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến nay, các đơn vị công sở trên địa bàn quận đã đưa quy tắc ứng xử trở thành nếp sống của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân. “Ngoài việc tổ chức các hội thi tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử, Quận ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn thực hiện ký cam kết thực hiện “quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội” – ông Khôi nói.

 Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, sau một thời gian triển khai, quy tắc đã thực sự đi vào công sở. Nhờ sự cụ thể trong từng nội dung về việc cần làm và không nên làm của cán bộ, công chức, đội ngũ này đã thực hiện dễ dàng. Điều này đã phần nào khắc phục những vi phạm phổ biến của cán bộ, công chức như làm việc riêng, sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng, nghe nhạc, chơi điện tử trong giờ làm việc; hút thuốc; sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, dọa nạt dân...

“Cán bộ, công chức đã ăn mặc lịch sự hơn, nói năng nhã nhặn, văn minh hơn, đến làm việc đúng giờ hơn. Việc ăn sáng, trang điểm, làm việc riêng trước mặt người dân để dân phải chờ đợi hầu như không còn. Từ đó, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân sẽ góp phần giải quyết công việc hiệu quả hơn” – ông Động nói.

Tăng cường giám sát, kiểm tra

Bên cạnh những thành quả đạt được, ông Động cũng cho rằng việc thực hiện quy tắc ứng xử vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, một bộ phận cán bộ, công chức chưa tự tin trong giao tiếp với người nước ngoài, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý vấn đề còn hạn chế. Một số ít trường hợp cán bộ, công chức vẫn ứng xử thiếu văn hóa, gây bức xúc dư luận, nguyên nhân do cán bộ, công chức chưa ý thức được vinh dự, tự hào khi là cán bộ nhà nước và trách nhiệm phục vụ nhân dân, có tư tưởng “bề trên”.

“Quan điểm của thành phố với những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử sẽ bị xử lý nghiêm, nặng hơn người dân.  Lãnh đạo cơ quan để cán bộ, công chức vi phạm chịu trách nhiệm liên đới và không có ngoại lệ nhằm răn đe, giáo dục và chấn chỉnh kỷ cương” – ông Động nói.

 Trước đây từng có những vụ việc công chức gây gổ, đánh nhau với người dân ngoài phạm vi cơ quan không chỉ bị xử lý theo quy định của pháp luật mà còn bị cách chức, đuổi việc.

Để phát huy tiếp thành quả, tới đây ngoài việc tổ chức cuộc thi ảnh, viết bài, Hà Nội sẽ triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cơ quan trực thuộc nhằm đưa quy tắc đi vào chiều sâu ở công sở. Bên cạnh đó, UNBD TP.Hà Nội cũng sẽ huy động người dân, cơ quan báo chí tham gia giám sát, phản ánh, tố giác về hành vi thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức để kiểm điểm và xử lý. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem