“Đừng hận thù sai lầm của lịch sử”
Sáng 11.9, phóng viên NTNN có mặt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để ghi nhận sự quan tâm của người dân về trưng bày cải cách ruộng đất. Không ngoài dự đoán, hầu hết du khách là những bậc lão niên, những người đã trực tiếp trải qua vô vàn sóng gió, hiểu rõ mọi cung bậc cảm xúc của nhiều tầng lớp xã hội trong cải cách ruộng đất cách đây vài thập kỷ. Chúng tôi rất ấn tượng với một cụ ông trong khóe mắt luôn ánh lên sự xúc động mỗi khi nhìn lại những tấm ảnh, hiện vật của cuộc cải cách “long trời, lở đất” năm nào.
Hỏi chuyện, cụ ông cho biết: “Tôi tên Nguyễn Công Kính, sinh năm 1940, nhà ở phố Trần Xuân Soạn, quê gốc Chí Linh, Hải Dương”. Điều tôi thắc mắc nhất khi thấy cụ Kính mắt hoe đỏ nhìn tấm ảnh địa chủ ngày xưa hút thuốc phiện tại trưng bày thì được cụ giải đáp rất cụ thể. Hóa ra, ông ngoại cụ ngày xưa làm tới Phó Chánh tổng ở địa phương, tên là Nguyễn Công Vỹ Ngôn. Tuy nhiên, gia đình ông tất cả đều theo cách mạng.
“Trong cải cách ruộng đất, gia đình tôi cũng chịu những nỗi oan khuất. Nhưng nhờ giáo dục tốt của gia đình và cách mạng, cả gia đình vẫn luôn theo Đảng và tin tưởng vào Đảng. 5 anh chị em tôi đều là đảng viên, có vị trí nhất định, riêng tôi từng công tác trong quân đội”.
Nói về trưng bày này và những dư âm của nó trong dư luận, cụ Kính khẳng định: “Đừng nhìn cái sai bằng tư duy hận thù. Cải cách ruộng đất có sai lầm, nhưng Đảng đã nhận ra sai lầm và quyết liệt sửa chữa. Gia đình tôi vẫn luôn kiên trung với Đảng và theo tôi, hãy để sai lầm ấy vào góc khuất”.
Có sai thì sửa
Cũng tại cuộc trưng bày, chúng tôi gặp ông Đào Văn Biên (68 tuổi), người từng chứng kiến các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất khi còn nhỏ. Ông Biên chia sẻ: “Thời đấy tôi quê ở Hà Đông, còn rất nhỏ tuổi, nhưng đến giờ ký ức tôi vẫn còn nhớ như in vì đó thực sự là cuộc cách mạng dân chủ “long trời, lở đất”.
Tôi không quan tâm sự ảnh hưởng của lịch sử với mỗi cá nhân, nhưng ảnh hưởng với xã hội thì thực sự lớn. Tôi vẫn nhớ những hình ảnh của cuộc đấu tố ở gò Đống Đa (Hà Nội). Đó đều là sự thực hết”.
Hỏi chuyện cũ, điều chúng tôi cảm thấy thú vị là khi ông Biên nhấn mạnh: “Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề năm xưa để liên hệ, so sánh với bài học hiện tại. Điều quan trọng nhất, nhìn từ cải cách ruộng đất ngày xưa lẫn thời điểm bây giờ là phải giữ vững tế bào gia đình và niềm tin vào Đảng”.
Cũng tại bảo tàng, khá tình cờ chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hòa, giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Khác với dự đoán ban đầu của chúng tôi khi nghĩ rằng chị đang đi thực tế, chị Hòa cho biết: “Tôi đang công tác tại khoa Lịch sử của trường. Việc đến tham quan trưng bày này là do chính bản thân tôi muốn đến tìm hiểu, nắm rõ hơn những kiến thức đã được học khi còn là sinh viên, đồng thời bổ sung thông tin và những câu chuyện thực tế khi tiếp xúc với các nhân chứng để phục vụ tốt hơn kiến thức bản thân cũng như công tác giảng dạy”.
Khi được hỏi về cảm nhận cá nhân, mối liên hệ giữa những thành tựu lẫn sai lầm của cải cách ruộng đất với cuộc sống hiện tại, chị Hòa đánh giá: “Điều tôi nhận ra là, không thể đòi hỏi một công việc, một vấn đề chứ chưa nói tới một cuộc cách mạng - phải đúng toàn diện. Có sai thì có sửa, đó mới là điều quan trọng nhất. Trong cải cách ruộng đất, Đảng ta đã phát hiện ra những sai lầm và tiến hành sửa chữa. Trong cuộc sống hiện tại, vấn đề nào cũng cần phải như vậy”.
Sửa sai kịp thời, khôi phục lại lòng dân
Trao đổi với phóng viên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, đánh giá: “Tư tưởng chủ đạo của chúng ta khi thực hiện cải cách ruộng đất là đúng: Đó là chuyển giao ruộng đất cho nông dân theo khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Nhưng trong quá trình thực hiện chúng ta đã mắc nhiều sai lầm. Trước sai lầm này, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã nhận khuyết điểm trước toàn dân, toàn Đảng. Nhờ có uy tín của Bác Hồ và việc sửa sai kịp thời, chúng ta đã khôi phục lại lòng dân, sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, giữa những người được chia ruộng và những người bị tịch thu ruộng. Đó chính là tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đến ngày hôm nay chúng ta vẫn đang học tập”.
Thiên Việt (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.