Cống hiến trọn đời nơi đảo xa

Thanh Hải Thứ bảy, ngày 06/09/2014 14:00 PM (GMT+7)
Trên đảo Trường Sa Lớn, trên các nhà giàn có những quân nhân gắn bó với biển đảo hơn 20 năm. Với họ, biển đã là nhà và họ nguyện cống hiến trọn đời nơi đảo xa
Bình luận 0

Còn sức còn cống hiến

Vượt chặng đường gần 300 hải lý, từ quân cảng Cam Ranh, hơn hai ngày đêm hành trình vất vả, tàu HQ 571, Vùng 4 Hải quân đã đưa đoàn công tác đất liền ra tới đảo Trường Sa Lớn của tỉnh Khánh Hòa. Đoàn chúng tôi đi thăm lần này đông lắm, ngoài những người Kinh, còn có một số du khách dân tộc ít người như: Mường, Mán, Mèo, Ê Đê, Xơ Đăng, Châu Ro… Họ cũng giống như tôi, ngay khi tàu neo cách xa đảo Trường Sa lớn chừng 10 hải lý, đứng trên boong tàu, giữa lung linh sóng nước biển trời, nhìn đảo Trường Sa chẳng khác gì thành phố nổi đều reo lên: “Trời, Trường Sa đẹp quá!”.

img

 

Những ngày ra thăm đảo tôi gặp trung tá Phạm Văn Thệ, quê Thanh Oai, Hà Nội. Thoạt nhìn anh mái tóc đã bạc trắng như cước, da đen bánh mật, mặn mòi với hương vị của biển. Sau cái bắt tay siết chặt, và nụ cười rạng rỡ, qua trò chuyện tôi được biết anh tốt nghiệp Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự ở Bắc Ninh với tấm bằng loại giỏi- quân hàm trung úy, anh đã viết đơn tình nguyện ra đảo Trường Sa. Từ ngày ấy đến nay thời gian thấm thoát đã hơn 20 năm, cuộc đời anh đã lặn lội, gắn bó với đảo xa. Anh bảo: “Không chỉ riêng tôi, trên đảo rất nhiều cán bộ tâm huyết gắn bó với đảo hầu như cả cuộc đời, hàng ngày họ vẫn âm thầm lặng lẽ làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, quân đội giao phó”. Anh Thệ chia sẻ thêm, lính đảo xa hàng ngày không chỉ đối mặt với khó khăn, vất vả, khắc nghiệt của thiên nhiên thời tiết, mà còn phải đối mặt với quân thù, luôn rình rập nhòm ngó, kẻ thù luôn có âm mưu thôn tính chiếm đảo của ta. “Vì thế, 20 năm qua, lính đảo chúng tôi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường quan sát, phát hiện địch từ xa, cùng nhau đoàn kết, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cầm chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Vì sứ mệnh thiêng liêng của biển

Tại nhà giàn Phúc Nguyên, chốt giữ ở vùng biển thềm lục địa phía Nam, cách TP.Vũng Tàu hơn 300 hải lý, trước mắt tôi là một người lính to cao, vạm vỡ, nở nụ cười hồn nhiên bước ra đón khách, dẫn chúng tôi vào căn nhà gỗ uy nghi giữa biển. Rót ly nước sôi để nguội mời khách, anh tự giới thiệu là thiếu tá Bùi Đình Thát. Mới gần 50 tuổi nhưng tóc anh đã bạc trắng như cước. Là người con xứ Nghệ, anh cũng là lứa quân nhân viết đơn tình nguyện ra Trường Sa 26 năm trước: “Ngày ấy sau khi tốt nghiệp Trường Cơ yếu quân đội tôi đã viết đơn tình nguyện ra đảo công tác. Khi mới bước chân ra nhà giàn cuộc sống nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn vất vả, như rau xanh, nước ngọt thiếu trầm trọng, nhưng vì tình yêu biển đảo, tất cả vì tình yêu Tổ quốc vì “sứ mệnh” thiêng liêng của biển, nên tôi và đồng đội đã lao vào công tác, vượt qua tất cả”.

Nhìn ra biển, anh Thát trầm ngâm: “Từ ngày thành lập nhà giàn đến nay, đã có biết bao nhiêu người con của biển đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp của biển, có những anh bước chân lên tàu ra đảo xa khi mái tóc còn xanh rờn, điển hình như: Thượng tá Nguyễn Văn Nam- nguyên Tiểu đoàn trưởng, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh- trung tá Trang Hải Âu -Trạm trưởng… Các anh ấy đã có bề dày cống hiến ở vùng biển này, không tiếc tuổi xuân của mình vì sự nghiệp chủ quyền của biển, đảo.

   Tuy sống xa đất liền, xa gia đình, vợ con nhưng các anh vẫn thường xuyên gọi điện, tâm tình và định hướng cho con cái ăn học. Anh Thát cho biết, rất nhiều cháu là con em lính biển học hành rất giỏi, thành đạt, nhiều cháu  thi đậu thủ khoa, trường chuyên của tỉnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem