Chỉ vì lợi nhuận mà một số thương lái, doanh nghiệp không chân chính sẵn sàng sử dụng chất cấm thúc vật nuôi nhanh lớn, tỷ lệ nạc cao. Ở góc độ bảo vệ NTD, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
- Trước đây, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ diễn ra ở hộ gia đình là chính, nay xảy ra cả ở những trang trại làm ăn không chân chính. Điều đó đồng nghĩa với việc khi giết mổ, lượng thịt tồn dư chất cấm cung ứng ra thị trường sẽ lớn hơn trước rất nhiều, NTD sẽ gánh chịu hậu quả về ảnh hưởng sức khỏe. Điều này tôi cho rằng rất nghiêm trọng, chỉ vì lợi nhuận mà họ đã bất chấp sức khỏe NTD.
Câu chuyện chất cấm, hay còn gọi là "chất tạo nạc" trong chăn nuôi đã được nhắc tới từ lâu, nhưng đến nay các cơ quan quản lý vẫn không xử lý được, khiến NTD hoang mang. Theo ông có cách nào đòi lại quyền lợi cho NTD?
"Tình trạng sử dụng chất cấm nóng bỏng vào năm 2012, làm ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi, trong đó oan nhất là những người chăn nuôi chân chính. Những tưởng người chăn nuôi đã rút ra bài học đắt giá, nhưng hành vi vi phạm vẫn tái diễn ở những đơn vị mà cơ quan chức năng đã công khai danh tính”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
|
- Được yêu cầu bồi thường thiệt hại là một trong những quyền của NTD theo pháp luật. NTD có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh; đến cơ quan bảo vệ NTD như Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương; đến tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam và các Hội Bảo vệ NTD là thành viên ở các tỉnh, thành phố; cơ quan trọng tài và tòa án.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng lực lượng chức năng cần siết chặt công tác quản lý trong ngành chăn nuôi, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và xử lý nghiêm hành vi dùng các chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt là khi các cơ quan chức năng phát hiện đến đâu, phải công khai danh tính đến đấy, đồng thời cần có hướng dẫn cách phân biệt sản phẩm thịt siêu nạc có tồn dư hóa chất cấm; vận động NTD tẩy chay thực phẩm tồn dư hóa chất cấm để những người làm ăn bất chính, phi đạo đức sẽ không còn đường sống.
Hiện Bộ NNPNT đã cấm các chất này nhưng Bộ Y tế vẫn sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông, cần có giải pháp gì để các chất này được sử dụng đúng mục đích?
- Đây là hai việc khác nhau. Nhóm Beta-agonist Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là 3 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta từ năm 2002 theo Quyết định số 54 của Bộ NNPTNT. Vì những chất này không đào thải hết ở vật nuôi, khiến sản phẩm thịt bị tồn dư hóa chất, có hại cho sức khỏe người sử dụng. Còn Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng trong lĩnh vực dược, vì Salbutamol có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người với liều lượng rất nhỏ và phải theo hướng dẫn chặt chẽ về chuyên môn khi sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.