Tại buổi giao ban báo chí thành uỷ chiều 22/10, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng, là nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.
“Từ năm 2008, chúng ta đã đưa vào khai thác nguồn nước mặt sông Đà, về cơ bản chạy trên địa bàn Việt Nam, chính vì thế không có nhiều biên giới phải qua nhiều nước. Như vậy đã 11 năm hệ thống nước mặt sông Đà đi vào hoạt động”, ông Dục thông tin.
Ông Vũ Đăng Định - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội tại buổi giao ban báo chí chiều nay 22/10.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nước sinh hoạt phải được giám sát từ nguồn nước thô cho đến khi đến nước tinh cho người dân. Đối với sông Đà có các thành phần cần bảo là thành phần bơm nguồn nước thô từ nhà máy nước mặt Sông Đà vào kênh dẫn để đưa vào hồ Đầm Bài.
“Sau sự cố này Sở Xây dựng sẽ cho tiếp tục kiểm tra, rà soát những vấn đề còn hở, còn yếu đồng thời quy rõ trách nhiệm của chính quyền, của nhà máy sản xuất, đơn vị truyền dẫn, đơn vị phân phối…” - ông Dục nói.
Người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc xây tường rào, ngăn cách, bảo vệ nguồn nước rất khó vì hồ Đầm Bài có diện tích lớn lến đến 16 km2. Bên cạnh đó, hồ còn sử dụng cho cả tưới tiêu. “Chúng ta phải tách ra ngay để bảo vệ, phần nước thô để sản xuất thì không được trộn phần chung của nhân dân nữa", ông Dục cho hay.
Ông Dục đánh giá, nhà máy nước sông Đà đã vận hành 11 năm, nên việc các hệ thống, công nghệ xử lý bị lỗi thời là không tránh khỏi. Trong đó, ông cho biết công nghệ của nhà máy vẫn chưa có hệ thống cảnh báo tự động, cũng như hệ thống xử lý Nano.
“Chủ tịch UBND TP, cũng như Bí thư và chúng tôi đã rà soát, kiểm tra và nhận thấy một số công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đúng là quá cũ. Thay nhà máy thì không khả thi vì chưa chắc có đủ kinh phí, nhưng thay một thiết bị công nghệ dây chuyền vào, bổ sung vào giữa chừng hoàn toàn có khả năng. Về việc bổ sung công nghệ, chúng tôi sẽ kiểm tra, thống nhất cái khả năng thay được tối đa với nhà máy”, ông Dục nêu ý kiến và cho rằng, nếu Nhà máy nước sông Đà có công nghệ Nano thì nước rất sạch, không bao giờ còn mùi và các thành phần có hại khác nữa.
Trả lời báo chí về vấn đề có để sông Đà tiếp tục cấp nước hay không? Ông Dục cho biết, dự án này đã được Chính phủ phê duyệt, sau 11 năm có sự cố này thì cần cố gắng khắc phục để không xảy ra sự cố tương tự.
"Đây là sự cố đáng tiếc, chúng ta phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố này nữa. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm và sẽ bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và sẽ báo về các sở ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh", ông Dục nói.
Trước đó, Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội Vũ Đăng Định đã thông tin về kết quả khắc phục sự cố, chất lượng nước sạch sông Đà sau xét nghiệm.
"Kết quả xét nghiệm mẫu nước từ ngày 16/10 đến ngày 21/10, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn của Bộ Y tế" - ông Định nói và nhấn mạnh: “Đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống”.
Theo ông định, qua kiểm tra, xét nghiệm, 69/69 mẫu có chỉ tiêu styren đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Sở Y tế Hà Nội đã thông tin công khai hàng ngày về kết quả xét nghiệm mẫu nước, hiện nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP vẫn tiếp tục lấy mẫu nước xem xét.
"Trong thời gian xét nghiệm chất lượng nước tại các hộ tiêu thụ, hiện Công ty nước sạch Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sạch sông Đuống, các nhà máy nước ngầm do Công ty nước sạch Hà Nội quản lý cho khu vực khách hàng của do Công ty Viwaco quản lý. Ngoài ra, tiếp tục cung cấp nước bằng xe stec miễn phí, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng" – người phát ngôn UBND TP.Hà Nội thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.