Vụ nước sạch Sông Đà bị “đầu độc”: Sẽ có sân golf bên hồ Đầm Bài?

 Phi Long – Hà Hoàng Thứ bảy, ngày 26/10/2019 07:12 AM (GMT+7)
Chỉ sau khi xảy ra sự cố nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân Hà Nội bị “đầu độc”, người ta mới giật mình và quan tâm tới việc nguồn nước đầu vào từ Nhà máy nước sông Đà được bảo vệ và xử lý như thế nào. Từ đó, xuất hiện thêm hàng loạt những diễn biến bất ngờ xung quanh hồ Đầm Bài, nơi cung cấp nước đầu nguồn cho Viwasupco.
Bình luận 0

Nước thải  Nhà máy nước sông Đà quay lại hồ Đầm Bài

Về việc bảo vệ nguồn nước đầu vào hồ Đầm Bài, nơi Viwasupco coi là bể chứa và sơ lắng nước trước khi xử lý, ông Trần Quốc Toản - Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình thừa nhận thực tế: Trâu, bò kiếm ăn xung quanh và đằm ở các suối dẫn nước vào hồ rất nhiều, cùng với chiều dài quanh hồ khoảng 16 km2, các chất thải đổ xuống hồ Đầm Bài không thể kiểm soát được.

Ngoài ra, người dân ở khu vực xung quanh hồ chưa có vệ sinh tự hoại, tất cả nguồn nước thải sinh hoạt trong phạm vi 16km2 lưu vực ấy chưa có 1 nhà máy nào xử lý, cho nên đổ xuống hồ Đầm Bài thì ô nhiễm là không tránh khỏi. “Với ngành thủy lợi điều này có khi lại có lợi cho sản xuất vì có các chất hữu cơ từ trâu, bò… Nhưng với hồ lắng của Nhà máy nước sạch lại là chuyện hoàn toàn khác”, ông Toản nói.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Hải - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, cho biết: Chúng tôi quản lý công trình hồ Đầm Bài chủ yếu là để phục vụ việc tưới tiêu cho 645ha đất sản xuất của 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Công trình hồ Đầm Bài là hồ chứa lớn với 69,9ha, mực nước luôn được duy trì ở mức cao và có 93ha diện tích hành lang.

img

Bộ TNMT đã cấp giấy phép cho Nhà máy nước sông Đà xả thải nước sản xuất và nước sinh hoạt quay lại hồ Đầm Bài. (Ảnh: VB)

Theo ông Hải, kênh dẫn nước từ sông Đà vào hồ dài hơn 3km, chảy qua các vùng canh tác của người dân không được rào chắn. Họ có thể chăn bò, 2 bên toàn ruộng lúa thuốc trừ sâu, bảo về thực vật nhiều khó kiểm soát. Khu vực bị ô nhiễm dầu xả thải là kênh dẫn vào Nhà máy, chứ không thuộc phạm vi quản lý của công trình hồ Đầm Bài do Công ty của ông Hải quản lý.

“Mùa mưa này Hà Nội chỉ dùng nước của hồ Đầm Bài chứ không phải nước sông Đà. Công ty nước sạch sông Đà lấy trực tiếp nước từ hồ Đầm Bài về nhà máy để xử lý. Việc Công ty lấy nước ở sông Đà trắc nghiệm về độ an toàn nguồn nước là bảo đảm, tuy nhiên trên thực tế Công ty có lấy nước ở đó đâu, họ lấy nước ở hồ Đầm Bài. Nước xả thải của Công ty sau khi xử lý nước sạch lại đổ trực tiếp xuống hồ Đầm Bài, vì không có chỗ nào khác để xả thải cả. Sau đó Công ty lại hút lên xử lý tiếp, cứ theo kiểu vòng tròn như vậy. Trước đây Công ty là của nhà nước, bây giờ cổ phần rồi phải thay đổi công nghệ đi, phải bỏ tiền ra mà đầu tư chứ không thể xử lý vòng tròn như vậy”, ông Hải băn khoăn.

Ông Hải cũng cho biết Nhà máy nước sông Đà hiện chỉ đầu tư đường ống ở phía Hà Nội để nâng công suất lên gấp đôi so với hiện nay là 600.000 m3/ngày đêm chứ không hề thấy đầu tư nâng cấp ở đầu nguồn cho giai đoạn 2.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, hồ Đầm Bài không chỉ được sử dụng là bể lắng của Nhà máy nước sông Đà mà nước thải từ nhà máy nước sông Đà cũng được sử dụng quay lại hồ.“Nước thải từ Nhà máy nước sông Đà đúng là sau khi được xả lại quay trở lại hồ Đầm Bài. Nhưng lượng nước thải xả là bao nhiêu đều có cụ thể trong giấy phép do Bộ TNMT cấp nên các anh phải xin ở Phòng Quản lý tài nguyên nước”, ông Nguyễn Khắc Long – Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường cho biết.

img

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm SOS lắp đặt màng chắn dầu thải. (Ảnh: HLG)

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 27/5/2019, Bộ TNMT đã ký ban hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 1307/GP-BTNMT, trong đó nêu rõ: Cho phép Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà được xả thải từ Nhà máy nước sông Đà ra suối Bằng rồi chảy vào hồ Đầm Bài tại xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn. Giấy phép này cũng cho Nhà máy nước sông Đà xả cả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt sau khi xử lý ra suối Bằng, chảy vào hồ Đầm Bài. Vị trí số 1 xả nước thải sản xuất là 32.000m3/ngày đêm và vị trí số 2 là nước thải sinh hoạt 15 m3/ngày đêm.

Mặc dù giấy phép này cũng yêu cầu tiêu chuẩn của nước xả thải không vượt quá Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất nhưng qua đó cũng cho thấy, hồ Đầm Bài đang được Nhà máy nước sông Đà vừa sử dụng làm bể lắng, vừa sử dụng luôn làm nơi xả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt.

Ghi nhận tại khu vực Nhà máy nước sông Đà, không chỉ có khu sản xuất mà công ty này cũng xây cả một khu Nhà khách để cho cán bộ công nhân và khách ăn, nghỉ tại đây. Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý cũng được thải quay lại hồ Đầm Bài.

img

Theo kế hoạch, sẽ có dự án sân golf ở bên hồ Đầm Bài. (Ảnh: GG)

Xây sân golf bên hồ Đầm Bài, Viwasupco sẽ ra sao?

Theo nguồn tin của Dân Việt, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp (cả doanh nghiệp Hàn Quốc) quan tâm tới khu vực ven hồ Đầm Bài với mục tiêu triển khai xây dựng dự án sân golf. Dù khu vực này là đất rừng và liên quan tới an toàn của hồ sơ lắng Đầm Bài, nơi cung cấp nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước sông Đà, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý cho phép khảo sát lập dự án sân golf.

Và như vậy, nhiều khả năng, khi có dự án sân golf triển khai, hồ Đầm Bài sẽ không còn là hồ chứa và sơ lắng nước cho Nhà máy nước sông Đà. Khi đó, Nhà máy sẽ phải triển khai lắp đường ống lấy nước mặt trực tiếp từ sông Đà về để sản xuất.

Cụ thể, theo tài liệu của PV, ngày 6/9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 1418 về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và Thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn.

Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Sở KHĐT tại Công văn số 1723/SKHĐT-DN, UBND tỉnh có ý kiến sau: Đồng ý cho Công ty CP đầu tư Phát triển đô thị và Thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn trong thời gian 3 tháng.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 23/5/2019, Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT) đã có văn bản số 146 gửi Sở TNMT Hòa Bình về việc không bổ sung đưa vào Quy hoạch sân golf Việt Nam và dừng phê duyệt chủ trương lập dự án đầu tư khu phức hợp đôi thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

img

Bản đồ cắm mốc bảo vệ hồ Đầm Bài cũng chỉ mới được hoàn thiện gần đây (Ảnh: HH)

Cục Quy hoạch đất đai nêu rõ lý do: Theo Văn bản số 178/2019/BC – VIWASUPCO, dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn sử dụng 270 ha đất, trong đó có ¾ diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của Dự án nước sông Đà.

"Dự án nước Sông Đà có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng khu phức hợp đôi thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn là không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, chất lượng nước thô đầu vào và kế hoạch cấp nước an toàn liên tục phục vụ nhân dân TP. Hà Nội", văn bản của Cục khẳng định.

Cục Quản lý đất đai cũng đề nghị Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, kiểm tra việc sử dụng đất phù hợp với điều chỉnh quy hạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hòa Bình đã được Chính phủ phê duyệt, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình, đảm bảo quy định của Pháp luật đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Tiếp thu văn bản này, ngày 27/6/2019, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình có văn bản số 1230 do Phó Giám đốc Sở Trần Đức Thắng ký nêu quan điểm: Đề nghị Sở KHĐT tỉnh Hòa Bình hướng dẫn Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị thương mại nghiên cứu khảo sát, lập dự án đảm bảo ranh giới đề xuất quy hoạch, đầu tư dự án có khoảng cách an toàn theo phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ- UBND ngày 28/8/2014.

img

Việc có thêm sân golf ngay cạnh hồ Đầm Bài, nơi đây liệu có tiếp tục đảm nhận chức năng là bể lắng cho Nhà máy nước sông Đà? (Ảnh: HH)

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện tại khu vực huyện Kỳ Sơn mới có 2 sân golf, ngoài ra chưa có sân golf nào khác. Tôi nghe nói ở xã Yên Quang có chủ trường vào đầu tư sân golf, có 2 đến 3 đơn vị vào nhưng chưa biết tỉnh chấp thuận cho đơn vị nào.  Hiện tại, rừng ở xã Yên Quang và xã Phú Minh với rừng đặc dụng Quốc gia Ba Vì có ranh giới rất rõ”.

Tài liệu ông Trường cung cấp cũng cho thấy, riêng xã Phú Minh có tới hơn 817 ha diện tích đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 50.03, rừng trồng là hơn 767 ha; Còn xã Yên Quang cũng có hơn 789 ha đất có rừng trong đó rừng tự nhiên là  hơn 296 ha và rừng trồng là hơn 493 ha.

“Theo quy định khi xây dựng sân golf không được động đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Trường hợp đối với rừng trồng, nếu muốn chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Trường nhấn mạnh.

Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi với UBND tỉnh Hòa Bình về việc dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn hiện đã triển khai tới đâu, sử dụng bao nhiêu đất rừng và ảnh hưởng tới Nhà máy nước sông Đà như thế nào?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tuyên – Cán bộ Phòng tổng hợp của UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Đã chuyển câu hỏi của Báo Dân Việt xuống Sở TNMT và UBND huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, việc liên hệ với các cơ quan này cũng chưa có hồi âm”.

Trong quá trình tìm hiểu về dự án sân golf ở xã Phú Minh và Yên Quan của huyện Kỳ Sơn sẽ ảnh hưởng tới hồ Đầm Bài và Nhà máy nước sông Đà như nào, chúng tôi được một cán bộ của tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh này sẽ có khoảng 10 sân golf.

Cụ thể, hiện tại đã có 2 sân golf đi vào hoạt động là sân golf Phoenix Golf & Resort và sân golf Hòa Bình Geleximco; Sân Golf An Việt của Công ty cổ phần golf An Việt Hòa Bình cũng đang triển khai đầu tư; 2 sân golf tại xã Đồng tâm huyện Lạc Thủy và xã Lâm Sơn huyện Lượng Sơn đã được Bộ KHĐT bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Cùng với dự án sân golf ở xã Yên Quang và Phú Minh đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho khảo sát và 3 dự án khác đang được các nhà đầu tư tìm đến đặt vấn đề khả sát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem