Công nghệ Trung Quốc được và mất gì từ chiến sự Nga - Ukraine?
Công nghệ Trung Quốc được và mất gì từ chiến sự Nga - Ukraine?
Thanh Thanh
Thứ sáu, ngày 25/03/2022 14:36 PM (GMT+7)
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga với Ukraine nên nhiều hãng công nghệ phương Tây đã rút khỏi Nga. Đây cũng là cơ hội cho các công ty của Trung Quốc chiếm lĩnh miếng bánh thị trường Nga.
Dưới sức ảnh hưởng của tình hình chiến sự giữa Nga với Ukraine, nhiều hãng công nghệ phương Tây đã tuyên bố rút khỏi Nga. Đồng thời, Mỹ và các nước đồng minh cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận lên nước này, bao gồm cả việc cấm xuất khẩu các sản phẩm cho lĩnh vực quốc phòng Nga cũng như các sản phẩm được làm từ thiết bị, phần mềm và trang bị của Mỹ. Điều này tạo nên sự thiếu hụt về các thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính hay điện thoại.
Trung Quốc không dễ "chiếm lĩnh" thị trường Nga
Tuy nhiên, tình trạng này lại là cơ hội cho các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Hiện tại, Nga đang là trị trường điện thoại lớn nhất châu Âu và là một sân chơi công nghệ đầy cạnh tranh giữa thương hiệu phương Tây và các đối thủ đến từ Trung Quốc. Vài thập kỷ qua, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ bền chặt ở Nga và chiếm hơn 40% thị phần với một số sản phẩm.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu cho Nga. Ảnh: Gsmarena
Theo Counterpoint Research, các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 41% thị trường điện thoại thông minh Nga năm ngoái. Đó là Xiaomi, Honor và Realme. Xiaomi là hãng điện thoại số 2 tại Nga, kẹp giữa người dẫn đầu Samsung và hãng Apple đang đứng thứ ba. Trong khi đó, Lenovo là công ty bán PC nhiều thứ nhì ở đây, theo International Data. Trong khi đó, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu cho Nga, cạnh tranh với Ericsson về các hợp đồng 5G.
Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường Nga, các công ty Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn như vấn đề logistics ở Nga, sự phức tạp về thanh toán do các lệnh trừng phạt và nguy cơ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rất phức tạp của Mỹ và đồng minh.
Theo Bloomberg, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết mọi mặt hàng được sản xuất với một số nguyên liệu đầu vào của Mỹ, bao gồm phần mềm, thiết kế, đều phải tuân thủ lệnh cấm bán cho Nga, kể cả khi chúng ra đời tại nước ngoài. Những công ty không thực hiện yêu cầu này sẽ đối mặt với khả năng bị Mỹ cấm vận, đồng thời người đứng đầu doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.
Bước đầu, chính quyền Trung Quốc phản đối các biện pháp trả đũa của Mỹ nhằm vào thương mại và kinh tế Nga. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn muốn các tập đoàn lớn (như SMIC) hạn chế bán cho Nga những công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.
Theo giới phân tích, Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa việc ủng hộ Nga nhưng không gây căng thẳng thêm với Mỹ và đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Bắc Kinh và Moskva có chung lợi ích chiến lược trong cuộc đối đầu với phương Tây. Nhưng các ngân hàng Trung Quốc không thể để mất khả năng tiếp cận đồng USD và nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc không thể thiếu công nghệ Mỹ.
Cơ hội và thách thức với công nghệ Trung Quốc
Các tuỳ viên quân sự làm việc ở khu vực châu Á cho biết, Ukraine có thể cũng là nguồn cung cấp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, cùng với các công nghệ khác dùng cho tên lửa. Các kỹ thuật viên người Ukraine làm việc ở Trung Quốc với tư cách tư nhân.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), dù không nêu cụ thể giá trị của từng thoả thuận, nhưng dựa trên những con số thu thập trong thập kỷ qua mà tổ chức này tổng hợp, có thể thấy Trung Quốc mỗi năm chi ít nhất 70 triệu – 80 triệu USD để mua thiết bị quân sự từ Ukraine.
Cũng theo SIPRI, ngành công nghiệp vũ khí sao chép của Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào một số công ty quốc phòng giá trị nhất của Ukraine và Trung Quốc đã mua lại nhiều công ty trong số đó trong những năm gần đây.
Trung Quốc dựa nhiều vào công nghệ Ukraine trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, nhưng ngày càng giảm, đặc biệt là khi Trung Quốc đã phát triển năng lực thiết kế và sản xuất của riêng họ. Tuy nhiên, có thể vẫn có một số công nghệ nữa mà Trung Quốc đang theo đuổi, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và tên lửa và Ukraine có truyền thống sản xuất những loại đó rất chất lượng và tân tiến.
Ukraine cũng là nguồn cung khi neon, một loại khí quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, Ukraine sản xuất khoảng 40% khí neon công nghiệp trên thế giới, trong khi Trung Quốc chiếm 30%.
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá khí neon tăng vọt gấp 9 lần mức giá trước xung đột. Điều này dấy lên lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên đây cũng là cơ hội Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nguồn cung khí neon toàn cầu và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ nếu biết tranh thủ thời cơ. Theo đó, thị phần của Trung Quốc trong nguồn cung khí neon toàn cầu có thể tăng từ 30% lên 50%, trong bối cảnh các "mối" ở nước ngoài chuyển sang tìm nguồn cung từ Trung Quốc thay vì Ukraine để duy trì sản xuất ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.