Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 24/08/2021 15:46 PM (GMT+7)
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhóm công nhân công trình tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, rảnh rỗi đi hái rau dại, thậm chí tìm cách bẫy chim cải thiện bữa ăn…
Bình luận 0

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội

Nằm cách đại lộ Thăng Long khoảng 1km là công trình xây dựng khu đô thị ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại khu lán lợp tôn trong công trình xây dựng này hiện có gần 30 công nhân đa phần ở các tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Hoà Bình…

Suốt hơn 1 tháng qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tất cả công trình tạm dừng hoạt động, họ bị "mắc kẹt" ở đây không thể về quê.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Bên trong khu lán trại của công nhân "mắc kẹt" tại Hà Nội giữa đợt giãn cách xã hội. Trong ảnh, nhóm công nhân ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức trưa 24/8. Ảnh: Gia Khiêm

Ngồi trong khu lán quây kín bằng tấm tôn, xung quanh kê nhiều giường, anh Hứa Văn Quái (39 tuổi, quê xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, là người dân tộc Tày. Anh Quái chân ướt chân ráo đến công trình được 2 ngày ổn định chỗ ở để bắt đầu làm việc thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

"Tôi mang theo trong người hơn 1 triệu đồng phòng thân. Những ngày qua ở trong khu lán trại, mọi người gom góp chung tiền mua thực phẩm thiết yếu ăn qua ngày. Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn ngồi nghịch điện thoại rồi đánh cờ, nấu ăn. Tới khi Hà Nội thực hiện giãn cách đợt 2 thì tiền cũng đã cạn. Mọi người ngoài mua thực phẩm như rau thịt ăn thì thi thoảng hái thêm rau muống dại, dau dền… ngoài bãi đất hoang ăn qua bữa", anh Quái chia sẻ.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Hơn 1 tháng nay anh Hứa Văn Quái nghỉ việc, không có thu nhập. Anh chỉ quanh quẩn cả ngày trong khu lán trại cùng nhiều công nhân khác. Ảnh: Gia Khiêm

Anh Quái kể, dịch bệnh nóng ruột nhưng bản thân không còn cách nào để về quê, chỉ còn cách cầm cự chờ đến hết đợt giãn cách xã hội. "Chúng tôi ở đây có hôm đi mò cua bắt ốc nhưng bị bảo vệ rồi mọi người nhắc nhở, sợ bị phạt nên sau cũng không dám đi nữa. Ở quê, mọi người cũng muốn gửi tiền xuống nhưng không có thẻ ngân hàng, với lại ở công trình xa khu dân cư nên cũng khó khăn hơn", anh Quái trải lòng.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 3.

Cả ngày, nhóm công nhân chỉ quanh quẩn ăn uống, rửa bát, ngủ nghỉ, đánh cờ... Ảnh: Gia Khiêm

Hiện tại, lán của anh Quái có 8 người ở trong đó có 4 người Yên Bái, 4 người Tuyên Quang. Cách đây 2 ngày, có 10 người ở Điện Biên đã rời đi. "Họ khó khăn quá, hết gạo nên đã rủ nhau đi bộ về. Dịch bệnh thế này đi bộ cũng nguy hiểm nhưng họ vẫn rủ nhau về vì trong người không có tiền, thứ 2 nhớ nhà nữa" nam công nhân này kể.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 4.

Chị Bùi Thị Nhuần (quê Hoà Bình) tranh thủ lúc rảnh rỗi hái thêm rau dại cải thiện bữa ăn.

Ở ngay lán trại bên cạnh là nhóm công nhân 17 người sinh sống. Gần bữa trưa, chị Bùi Thị Nhuần (quê phường Dân Chủ, TP Hoà Bình) đi hái ít rau dại mọc gần công trình để cải thiện.

"Đây là rau muồng chỉ có ở vùng dân tộc Mường chúng tôi mới biết chứ mọi người dưới xuôi không biết. Rau này hơi khó ăn chút nhưng ăn sẽ ngủ rất ngon. Tôi ăn quen rồi, nó hơi giống rau ngót. Tôi nhặt luộc lên ai ăn thì ăn. Ngoài ra, bữa trưa còn có thêm canh mướp và thịt chủ cai xây dựng mua hỗ trợ thêm cho mọi người", chị Nhuần kể.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 5.

Theo chị Nhuần, ở dân tộc Mường gọi đây là rau muồng, ăn vào sẽ ngủ ngon giấc. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chị Nhuần, vừa làm tại công trình được 7 ngày công thì tạm dừng. Những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công nhân như chị gặp khó khăn vì không có việc làm, không thu nhập. Ăn uống cũng bị hạn chế, thiếu thốn nhiều so với những lúc không có dịch.

"Dịch bệnh thế này, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ chủ trương giãn cách xã hội của thành phố. Có như vậy mới ngăn chặn được dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ở đây nhàn rỗi, thi thoảng tôi đi hái thêm rau ở công trường. Có hôm, mọi người rủ nhau đi bắt ốc, bắt cá ngoài đồng nhưng sợ công an xử phạt nên sau chẳng ai dám đi nữa", chị Nhuần kể.

Mong hết dịch về quê với gia đình

Nữ công nhân này chia sẻ, bản thân mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để có thể được trở về quê lo cho cái. Chồng chị Nhuần bị mất sức lao động nên không làm được công việc nặng.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 6.

Nữ công nhân đang chuẩn bị bữa trưa cho 17 người ở trong lán trại xây dựng. Ảnh: Gia Khiêm

"Nếu không có dịch thì một ngày công của tôi được 250.000 đồng. Hàng tháng tôi cũng tích cóp được vài triệu đồng lo cho gia đình. Giờ tôi muốn đi về quê nhưng dịch bệnh thế này đi lại cũng khó. Chỉ mong sao hết dịch bệnh để tôi được về nhà thăm chồng con. Ở đây phận phụ nữ nhiều khi sinh hoạt cũng bất tiện lắm", chị Nhuần kể thêm.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 7.

Anh Xa Văn Dậu đặt bẫy chim ngay trước lán công trình xây dựng. Ảnh: Gia Khiêm

Còn với anh Xa Văn Dậu (40 tuổi, quê xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) những ngày nghỉ dịch không có việc làm lại nghĩ ra cách bẫy chim. Chỉ vào lồng có vài con, anh kể mới bẫy vào chiều hôm trước.

"Ở công trình này hoang vu nên có nhiều chim én bay lượn. Mấy hôm tôi nghĩ cách đặt bẫy ngay trước lán. Có hôm bẫy được vài chục con ăn qua bữa. Thực ra tôi cũng chẳng muốn bẫy đâu nhưng đây cũng là cách để mọi người cải thiện bữa ăn", anh Dậu nói.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 8.

Anh Dậu cho biết, không muốn bẫy chim nhưng việc này giúp anh và mọi người cải thiện bữa ăn. Ảnh: Gia Khiêm

Anh Dậu cùng nhóm công nhân ở đây cho biết, do mới đến công trình được vài hôm nên chưa kịp đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Do dịch Covid-19, mọi người không dám ra ngoài công trình để xin trợ cấp khó khăn.

Công nhân "mắc kẹt" ở Hà Nội bẫy chim, hái rau dại ăn qua bữa giữa đợt giãn cách xã hội - Ảnh 9.

Số chim nhóm công nhân bẫy được chiều 23/8. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng tôi chân ướt chân ráo đến đây lao động nên cũng không dám ra xã để xin trợ cấp. Thêm nữa, mọi người cũng sợ bị xử phạt vì ra đường không có giấy tờ, lý do gì", một công nhân trong khu lán trại chia sẻ. Anh mong mỏi dịch bệnh sớm qua đi để được về quê với vợ con.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên, huyện Hoài Đức cho biết, trong đợt giãn cách xã hội, thực hiện chủ trương chính sách của thành phố, địa phương luôn quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn.

"Những ngày qua, chúng tôi đã phát hơn 500 suất quà là thực phẩm thiết yếu hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh. Đối với những người đã đăng ký tạm trú hay kể cả chưa đăng ký tạm trú khi cư trú trên địa bàn đều được hỗ trợ.

Xã rất quan tâm đến đời sống người dân. Chúng tôi thường xuyên phát loa thông báo tới các thôn rà soát những trường hợp khó khăn. Có 2 hình thức thứ nhất, người lao động trực tiếp đề xuất với trưởng thôn, thứ 2 chủ nhà trọ đến thôn ý kiến xin hỗ trợ cho người dân. Tất cả sau đó thôn sẽ báo cáo lên xã và xã sẽ hỗ trợ lương thực thực phẩm ngay", ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem