Hà Nội: Siêu thị mini trên xe buýt đưa hàng hóa lưu động đến tận khu dân cư trong thời gian giãn cách

Bình Minh Thứ ba, ngày 24/08/2021 13:58 PM (GMT+7)
Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội cho đến 6/9, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức đưa hàng hóa lưu động bằng xe ô tô và xe buýt đến tận những khu vực bị phong tỏa, các khu nhà trọ, các khu đông dân cư, chung cư...
Bình luận 0

Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe buýt, trong trường hợp cấp bách sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này. 14 doanh nghiệp đăng ký triển khai, gồm: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Đặc biệt, Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe buýt bán hàng lưu động.

"Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, bởi thành phố đã chủ động cân đối cung-cầu, các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng" - bà Lan cho biết.

Hà Nội: Siêu thị mini trên xe buýt, đưa hàng hóa lưu động đến tận khu dân cư trong thời gian giãn cách - Ảnh 1.

Điểm bán hàng lưu động của AEON tại phường Thượng Đình (Thanh Xuân). Ảnh: Lê Nam

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe buýt sẽ triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế công nhân không phải đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Theo bà Lan, khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh bị giảm từ 10 – 15% do phải đóng cửa, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ, chủ động đưa hàng về các kho trong nội thành.

Chưa kể, một số cơ sở chế biến trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối, thậm chí có doanh nghiệp tăng 200%... Vì vậy, hàng hóa thường xuyên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống, với giá cả ổn định; ngoại trừ một số mặt hàng như: rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn có thể tăng nhẹ từ 5 – 7%.

Hà Nội: Siêu thị mini trên xe buýt, đưa hàng hóa lưu động đến tận khu dân cư trong thời gian giãn cách - Ảnh 2.

Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán hàng lưu động phường Thượng Đình (Thanh Xuân). Ảnh: Lê Nam

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Đồng thời, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân khi tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng ô tô.

Hiện nay, có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, ô tô. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Nếu tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá sẽ phối hợp để kiểm tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) cho biết, Công ty đã đăng ký với Sở Công thương Hà Nội tham gia cung ứng sản phẩm lưu động bằng ô tô và xe buýt. "Công ty sẽ có trên 20 sản phẩm sữa tươi tham gia bán hàng lưu động lần này", bà Mai nói.

Bà Mai cũng chia sẻ thêm: "Khi tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô và xe buýt sẽ góp phần tiêu thụ sữa tươi cho nông dân, bởi sữa là sản phẩm không để được thời gian lâu. Bên cạnh đó, khi tham gia bán hàng lưu động Công ty sẽ có chương trình trợ giá đối với người tiêu dùng".

Về hệ thống phân phối, hiện nay trên địa bàn thành phố có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng hóa, 8355 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 7 lần so với hàng năm triển khai Chương trình bình ổn thị trường) đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân, Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu; các quận, huyện, thị xã; Viettel Post 41 điểm; sẵn sàng kích hoạt 2500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem