Công nhân xây dựng SVĐ World Cup 2022 ở Qatar sợ nhất điều gì?

Lê Linh Thứ ba, ngày 22/11/2022 06:10 AM (GMT+7)
Các công nhân nhập cư trong các công trường xây dựng phải đối mặt với điều kiện lao động tồi tệ và mức lương thấp nhưng nỗi sợ mất việc khiến họ không dám từ bỏ công việc này.
Bình luận 0

Trong một bãi đậu xe bụi bặm, gần một trong những công trường xây dựng lớn nhất ở Qatar, công nhân (A – PV)  bước vào xe của tôi. Tôi sẽ gọi anh ta là công nhân A, không phải vì tôi không muốn tiết lộ danh tính của anh ấy, mà vì tôi không biết tên anh ấy.

Anh ấy chỉ đồng ý nói chuyện với tôi sau khi tôi cho anh ấy xem tên của tôi trên các bài báo tôi đã viết khớp với thông tin được ghi trong hộ chiếu. Tôi đã giao ra điện thoại của mình để chứng minh rằng tôi không ghi âm lại bất cứ điều gì.

Những công nhân xây dựng các SVĐ World Cup 2022 ở Qatar sợ gì nhất?  - Ảnh 1.

Ở Doha, thủ đô của Qatar, các công nhân nhập cư phải làm việc liên tục trong suốt 12 giờ đồng hồ, 6 ngày 1 tuần, với mức lương thấp hơn luật pháp quy định. (Ảnh: Pete Pattisson/The Guardian).

Lý do anh ấy miễn cưỡng chấp nhận phỏng vấn, anh ấy nói với tôi, là chủ của anh ấy gần đây đã sử dụng "gián điệp" để tìm ra nguồn gốc nhân viên gây rối. "Mọi người đều sợ nói ra nhưng bên trong chúng tôi đang dần chết đi", anh chia sẻ.

Anh ấy bị bắt phải làm việc trong 12 giờ đồng hồ suốt 6 ngày 1 tuần, nhưng không được trả thêm tiền khi làm thêm giờ. Tổng cộng, anh nói, họ kiếm được tương đương khoảng 335 bảng mỗi tháng (khoảng chưa đầy 10 triệu đồng). "Ông chủ của chúng tôi có một chiếc xe sang nhưng với mức lương của tôi, tôi thậm chí không thể mua được 4 lốp xe của nó. Tôi chỉ nhận được những đồng lẻ", công nhân A bày tỏ.

Anh ấy nói với tôi về việc một đồng nghiệp, một chàng trai trẻ gần đây đã kiệt sức và chết tại nơi làm việc của anh, sau khi nói rằng anh ấy cảm thấy không khỏe nhưng vẫn phải làm việc dù đang bị ốm.

Một nguồn khác đã gửi cho tôi một bức ảnh của công nhân đã chết. Khi tôi gặp cô ấy lần đầu tiên, tôi hỏi tôi có thể lưu số của cô ấy vào điện thoại để chúng tôi có thể giữ liên lạc không. Cô ấy bảo tôi chờ vì ông chủ của cô ấy có thể đang nhìn từ đâu đó. Vài phút sau, cô ấy lén lút đưa cho tôi một tờ ghi chú với số của cô ấy trên đó.

Trong một chuyến đi gần đây, tôi đã gặp một công nhân khác mà tôi giữ liên lạc trong nhiều năm. Ai đó đã nhìn thấy chúng tôi nói chuyện và vài ngày sau anh ta được cảnh sát triệu tập để thẩm vấn.

Sự thật World Cup 2022 được tổ chức trên xương, máu lao động nhập cư Qatar? - Ảnh 2.

Sân vận động Lusail Iconic có sức chứa 80.000 người. (Ảnh: The Sun).

Đây là cách chúng tôi phơi bày sự thật về giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất thế giới: Thông qua các cuộc gặp bí mật trong các bãi đỗ xe và thông điệp có thể biến mất trong vòng 5 phút. Mỗi câu tôi viết ra đều được xem xét tỉ mỉ, cẩn thận để tôi không tiết lộ bất cứ điều gì khiến ai đó gặp nguy hiểm.

Vậy những công nhân này sợ hãi điều gì? Bị trục xuất. Bởi vì đối với tất cả các vấn đề họ gặp phải, sự thật tàn bạo là họ cần công việc - và họ cần phải trả hết các khoản nợ mà họ đã vay mượn để có được việc làm tại đây.

Khi đại dịch bắt đầu, một công nhân nói với tôi rằng mọi người đều sợ hãi, nhưng nguyên nhân không phải là do Covid-19. "Hầu hết chúng tôi đã vay tiền để đến đây. Nếu chúng tôi bị trục xuất, làm thế nào chúng tôi có thể trả nợ? Chúng tôi sợ khi trở về chỉ có hai bàn tay trắng", anh nói.

"Khi họ thấy bạn đang cố gắng đấu tranh cho quyền lợi của mình, họ sẽ tìm ra bất kỳ lỗi sai nhỏ nhặt để trả bạn về nước", một người khác cho biết thêm.

Nỗi sợ hãi đó thậm chí còn vượt ra ngoài biên giới của Qatar. Tuần này tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với các công nhân Nepal, những người đã được trả về từ Qatar gần đây, khi các công ty kết thúc các dự án xây dựng trước World Cup 2022. Họ đã được cam kết 2 năm làm việc, nhưng hầu như chỉ được ở lại Qatar trong 6 tháng và đang đấu tranh để trả nợ.

Họ đồng ý phỏng vấn, nhưng vào cuối mỗi cuộc phỏng vấn, họ nói rằng họ sợ bị cấm nhận một công việc khác ở Qatar nếu họ lên tiếng.

Những công nhân xây dựng các SVĐ World Cup 2022 ở Qatar sợ gì nhất?  - Ảnh 4.

Công nhân phải lao động dưới cái nắng oi bức ở xứ Tây Á.

Các công nhân xây dựng các SVĐ World Cup 2022 ở Qatar đang mắc nợ và mỗi khi các công nhân đó nói với tôi về những vấn đề họ gặp phải ở Qatar, câu hỏi: Bạn sẽ quay lại chứ? Và câu trả lời hầu như là "có", bởi vì họ có rất ít lựa chọn khác. Một ngày lao động thông thường ở Nepal có thể kiếm được ít nhất 400 rupee (£ 2,75 – tương đương 81.000 VNĐ), và do đó, mức lương tối thiểu của Qatar, tương đương với khoảng 8 bảng mỗi ngày (235.000 VNĐ), nghe có vẻ hấp dẫn.

Theo luật lao động của Qatar, người lao động nước ngoài có quyền thay đổi công việc nếu hợp đồng của họ bị chấm dứt và các thủ tục pháp lý có hiệu lực nếu một công nhân không nhận được tiền lương hoặc phụ cấp của họ khi kết thúc hợp đồng.

Chính phủ Qatar cũng cho biết có một quỹ hỗ trợ người lao động, bao gồm cả việc bồi hoàn tiền lương hoặc lợi ích liên quan, đã trả 152,5 triệu bảng vào tháng trước.

Qatar - và tất cả các quốc gia Vùng Vịnh khác - có thể viết lên một câu chuyện cổ tích về cách họ đã tạo ra cơ hội việc làm và giảm nghèo đói cho hàng triệu người. Ở một khía cạnh nào đó thì điều này là đúng. Nhưng thật khó để tránh kết luận rằng Qatar cũng đã khai thác nghèo đói và sự khốn khổ của rất nhiều người, để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho Cúp vàng thế giới và cho quốc gia của họ.

"Tôi phải trả học phí cho ba đứa con trai đang ở nhà. Chúng là cuộc sống của tôi", công nhân A nói với tôi. "Đó là lý do tại sao tôi ở đây. Nếu tôi về nhà bây giờ, những đứa con của tôi sẽ chết đói". Vì vậy, với nhiều người công nhân như anh ấy, điều duy nhất tồi tệ hơn ở Qatar chính là phải rời khỏi đất nước này với 2 bàn tay trắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem