Công trình Đại lễ: Hiện đại thành thảm hại

Thứ tư, ngày 03/11/2010 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lãnh đạo TP.Hà Nội khẳng định tất cả các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đều đảm bảo chất lượng, tuy nhiên sự thực thì sao?
Bình luận 0

Lập kỷ lục rồi… để đấy

Đôi rồng thời Lý ghép bằng gốm Bát Tràng mỗi con dài 15m, cao 8,2m (kể cả bệ), đường kính 90cm, được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4.500 chiếc cốc đặt trong Công viên Bách Thảo là công trình đặc sắc và có ý nghĩa chào mừng Đại lễ.

img
Công nhân sửa chữa lại các thềm đá bị bong tróc ở công viên Hoà Bình.

Khánh thành từ 16-9-2010, đôi rồng gốm lớn nhất Việt Nam này đã thu hút rất nhiều người dân đến tham quan, chụp ảnh. Tuy nhiên, do công tác quản lý kém nên đôi rồng thay vì hùng dũng uốn lượn thì dường như đang bị mắc kẹt dưới nhiều tầng rác rưởi, mạng nhện từ đầu đến đuôi rồng. Chưa kể nhiều mảnh ghép ở bệ, thân rồng đã bị bong tróc gây ra hình ảnh hết sức phản cảm, mất đi hình ảnh tôn nghiêm, uy nghi của rồng thiêng.

Anh Nông Quốc Toản, một du khách đến từ Cao Bằng nói: “Trong dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ, tôi không có điều kiện xuống tham quan, đến nay mới có cơ hội chiêm ngưỡng những công trình này. Nhưng thật sự những gì tôi thấy qua tivi và những gì thực tế diễn ra không khỏi làm tôi thất vọng. Một đôi rồng to đẹp như thế này mà không được quan tâm đến thì thật là phí”.

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Thạch – Giám đốc Công viên Bách Thảo cho biết: “Công viên Bách Thảo nhận trưng bày đôi rồng gốm sứ vào dịp chào mừng Đại lễ. Theo tôi được biết đôi rồng được thực hiện trong thời gian khá gấp rút, cộng với yếu tố thời tiết và ý thức của khách tham quan nên đến nay một số nơi trên thân rồng đã xảy ra hiện tượng bong tróc. Trước tình trạng xuống cấp của đôi rồng gốm sứ, công viên đã thông báo cho các nghệ nhân đến khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời”.

Cũng theo bà Thạch, hiện nay Hiệp hội Làng nghề vẫn chưa có quyết định để đôi rồng này ở lại Công viên Bách Thảo trưng bày hay chuyển đi trưng bày nơi khác. Điều này khiến Ban quản lý công viên chưa thể xây dựng những kế hoạch bảo tồn, bảo vệ đôi rồng này.

Cùng chung số phận với đôi rồng gốm lớn nhất Việt Nam, công trình “Con đường gốm sứ” mang tầm vóc thế giới đã và đang rơi vào tình trạng xuống cấp do những tác động của thiên nhiên và con người. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tổng chiều dài gần 4km của con đường gốm sứ đã xuất hiện nhiều đoạn bị bong men, rạn nứt. Bên cạnh đó, việc các gánh hàng rong liên tục tập trung trên các tuyến đường Yên Phụ, An Dương, đặc biệt tại khu chợ đầu mối Long Biên có rất nhiều rác thải đã làm mất đi vẻ đẹp của công trình mang tầm vóc thế giới này.

Về những sự cố trên, bà Nguyễn Thu Thủy - tác giả công trình “Con đường gốm sứ” cho biết, trên bức tường thấp xây thêm trên thành đê, Công ty Xây dựng và ứng dụng công nghệ chống thấm Bách khoa có tạo các khe chống rung, trung bình từ 8-10m có một khe chống rung tương ứng với các khe chống rung của tường đê bê tông cũ. Nhưng vì để giữ tính thẩm mỹ cho bức tranh, các nhóm thi công tranh gốm đã phủ kín các mảnh gốm nhỏ lên khe chống rung này. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vết nứt trên bề mặt tranh gốm”.

Công viên hay công trường?

Công viên Hòa Bình là một điểm nhấn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với diện tích gần 20ha, tổng mức đầu tư 282,38 tỷ đồng, đây là công viên đầu tiên trong thời kỳ đổi mới được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Sau 20 tháng kể từ ngày khởi công, ngày 8-10-2010, công viên được khánh thành với sự hân hoan đón chờ của người dân thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, ngay sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, làm thất vọng nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.

Ngày 25-10, khi chúng tôi có mặt tại Công viên Hòa Bình thì nơi đây vẫn như một công trường với ngổn ngang gạch đá và nhiều xe ô tô siêu trường, siêu trọng đầy ắp nguyên vật liệu đỗ ngoài hàng rào. Dù đã là cuối chiều với tiết trời mát mẻ nhưng số thợ đang sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng và hoàn thành các hạng mục còn dang dở vẫn đông hơn lượng du khách có mặt trong công viên.

Dọc các tuyến đường đi dạo, gạch đá, vôi vữa được vun lại thành từng đống và bốc bụi mù mịt khi công nhân quét dọn khua chổi. Nhiều bậc đá cầu thang và bệ đá trên tường quanh hồ đang được các công nhân lát lại những chỗ bị vỡ hoặc bong tróc.

Khi chúng tôi tìm đến Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội để tìm hiểu về thực trạng quản lý và bảo vệ công trình này thì được biết hiện công ty vẫn chưa được Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bàn giao quản lý Công viên Hòa Bình.

Liên hệ với Ban chỉ đạo này thì một cán bộ của ban cho biết họ chỉ chỉ đạo thực hiện các công trình kỷ niệm chứ không quản lý về chất lượng.

Sau một "hành trình" vất vả chạy tới chạy lui qua các phòng, ban của Sở Xây dựng Hà Nội và Sở VH-TT&DL Hà Nội, cuối cùng PV NTNN cũng tìm được đơn vị chịu trách nhiệm về công trình này, đó là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề liên quan đến chất lượng công trình mà NTNN đặt ra đều được Ban quản lý dự án đổ tại... ý thức người dân.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem