Cổng trường bị bít, học sinh nghỉ học

Thứ năm, ngày 08/10/2015 23:22 PM (GMT+7)
Hơn 600 học sinh của Trường THCS Nguyễn Du (ấp Bà Ai 1, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) phải nghỉ học vì cổng trường bị một hộ dân rào kín
Bình luận 0

Sáng 8.10, do lối vào bị rào kín, Trường THCS Nguyễn Du phải cho học sinh nghỉ học. Trong khi đó, giáo viên sống ở khu tập thể trong khuôn viên trường phải rất khó khăn mới có thể ra ngoài.

Nhiều lần bị phong tỏa

Từ chiều 7.10, ông Lục Văn Hữu, ngụ tại địa phương, đã cùng người nhà bít cổng trường với mục đích gây sức ép để chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề mà gia đình ông đã yêu cầu từ nhiều năm qua. Trước đó, gia đình ông Hữu đã nhiều lần phong tỏa trường này nhưng ít nghiêm trọng hơn bởi rơi vào thời điểm nghỉ hè hay vẫn còn chừa lối cho học sinh ra vào.

img

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du phải nghỉ học do không thể vào trường

Sáng cùng ngày, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, UBND huyện Hồng Dân… đã đến hiện trường vận động gia đình ông Hữu tháo dỡ hàng rào nhưng không được. Đến chiều, các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục vận động, hứa tuần tới sẽ giải quyết những vấn đề ông Hữu yêu cầu nhưng vẫn không được chấp nhận. “Những lần trước, lãnh đạo huyện đã hứa giải quyết sớm nhưng không giữ lời, do đó tôi không còn tin nữa. Khi nào huyện giải quyết thỏa đáng yêu cầu, tôi sẽ tháo dỡ hàng rào” - ông Hữu nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Dân, thừa nhận việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành. “Đây là việc giữa gia đình ông Hữu với chính quyền các cấp, nhà trường không liên quan gì nhưng lại chịu hậu quả nặng nề nhất. Chúng tôi yêu cầu UBND huyện xử lý nhanh để không làm gián đoạn việc dạy và học của nhà trường. Học sinh có thể tạm nghỉ 1, 2 buổi chứ không thể kéo dài”.

Nhùng nhằng trong xử lý

Theo tài liệu chúng tôi có được, hành động bít cổng trường của ông Hữu xuất phát từ việc thu hồi đất, cưỡng chế nhà chưa rõ ràng của chính quyền địa phương từ nhiều năm trước.

Cụ thể, năm 2002, một số cán bộ huyện Hồng Dân và xã Lộc Ninh gặp ông Hữu thỏa thuận nhượng lại 2.800 m2 đất để xây Trường THCS Nguyễn Du. Thời điểm này, các quyết định thu hồi đất liên quan không được ban hành và cũng chưa áp giá bồi thường do chưa có quy hoạch. Năm 2004, ông Hữu được UBND huyện Hồng Dân mời lên nhận hơn 237 triệu đồng, gọi là tiền bồi thường cho diện tích đất bị thu hồi đến gần 3 ha để xây dựng khu hành chính xã Lộc Ninh. Mức bồi thường lại được áp dụng theo giá đất năm 1997. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không lý giải rõ ràng về mức bồi thường cho gia đình ông Hữu và cũng không ban hành quyết định thu hồi đất.

Mãi đến cuối năm 2007, UBND huyện Hồng Dân mới ban hành quyết định thu hồi đất của ông Hữu và một số hộ dân, với tổng diện tích lên đến gần 7 ha để xây dựng khu hành chính xã. Theo đó, ông Hữu bị thu hồi 29.648,1 m2 đất tại thửa 565, tờ bản đồ số 6 nhưng thực tế thì thửa đất này là của ông Lục Văn Go, diện tích chỉ có 17.100 m2.

Đến đầu năm 2015, UBND huyện Hồng Dân mới ban hành quyết định sửa số thửa đất 565 thành 521, tờ bản đồ số 5 nhưng vẫn tiếp tục sai vì thửa đất ông Hữu bị thu hồi là 524, tờ bản đồ số 6, có diện tích chỉ 20.000 m2.

Cho rằng việc áp giá bồi thường không đúng thời điểm, có nhiều khuất tất, quyết định thu hồi đất ban hành chậm đến hơn 3 năm, không đúng thửa nên gia đình ông Hữu khiếu nại nhưng bị chính quyền các cấp bác đơn. Đáng chú ý là tại Quyết định số 697 ngày 3-4-2013 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Hữu do ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ký nêu lý do ra quyết định thu hồi đất chậm đến 3 năm là để… hợp thức hóa thủ tục.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Giám, Chánh Văn phòng UBND huyện Hồng Dân, khẳng định: “Những vấn đề ông Hữu yêu cầu, chúng tôi đã trả lời xong. Nếu ông Hữu không đồng ý thì có thể khiếu nại lên cấp trên. Nhà trường và học sinh không liên quan nên việc làm của gia đình ông Hữu là không thể chấp nhận”.

Cưỡng chế nhà trái pháp luật?

Cho rằng quyết định thu hồi đất sai, đất chưa bị thu hồi nên năm 2011, ông Hữu xây dựng nhà mới trên phần đất mà gia đình ông đã ở từ năm 1989. Khi căn nhà của ông Hữu sắp hoàn thiện, ông Trần Văn Thắng (Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh lúc đó) cùng lực lượng của xã đến đập phá tan tành.

“Tôi hỏi quyết định cưỡng chế đâu thì ông Thắng không trả lời mà chỉ đạo tiếp tục đập. Sau đó, ông Thắng cho rằng cưỡng chế là do xây dựng không phép, nhà riêng lẻ ở nông thôn. Tôi thấy không hợp lý nên làm đơn yêu cầu bồi thường nhưng không cơ quan nào giải quyết. Năm rồi, do không có nhà ở nên tôi xây lại căn nhà khác bên cạnh nhưng không thấy ai đến cưỡng chế nữa” - ông Hữu cho biết.

Duy Nhân (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem