Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang: Cùng nông dân làm giàu

Thứ sáu, ngày 22/06/2012 05:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ lúa đông xuân năm 2006 - 2007, 12 kỹ sư nông nghiệp của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) được lệnh “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân ĐBSCL (gọi là các kỹ sư FF).
Bình luận 0

Đến năm 2012, số lượng kỹ sư bám đồng cùng nông dân của AGPPS đã lên tới 641 người, rải khắp từ Bắc vào Nam...Những kỹ sư của AGPPS đã giúp nông dân làm giàu trên đồng ruộng của mình...

Thay đổi phương thức canh tác

Ông Thạch Minh đang canh tác 1,2ha lúa ở xã Phú Cần, huyện Tiều Cần (Trà Vinh) là một trong những nông dân khá giả nhất, nhì ở ấp Cầu Tre. Ông Minh có căn nhà tường lát gạch men khang trang, nhưng được tiếng "giàu" nhất có lẽ vì ông có 4 người con học hành tử tế, trong đó 3 người học ngành y đã ra trường và đứa con út đang học đại học.

Hỏi chuyện làm ăn, ông Minh cười hà hà: "Tui nhờ làm ruộng mà sống khỏe re. Làm nông dân 30 năm, tui thấy hồi xưa đúng là một nắng hai sương, còn giờ làm nông dân sướng lắm. Vụ đông xuân 2011 - 2012 vừa rồi, 1,2ha đất nhà tui thu hoạch hơn 11 tấn lúa, bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá 5.400 đồng/kg, thu được 59 triệu đồng. Trừ chi phí bỏ ra 23 triệu đồng, tui còn lời 36 triệu đồng...”.

Cách đây 6 năm, ông Thạch Minh và hàng trăm nông dân ở xã Phú Cần "có nằm mơ cũng không thể làm giàu bằng cây lúa". Thời điểm ấy, nông dân làm ruộng theo kiểu giao phó cho ông trời, hạt lúa làm ra chỉ đủ ăn, không có để bán.

Ông Trần Minh Em - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần nói: "Cả xã có khoảng 1.500ha đất lúa nhưng nông dân rất khó làm giàu bởi năng suất bình quân chỉ trên dưới 3 tấn/ha/vụ. Cả xã có hơn 63% là đồng bào dân tộc Khmer, kỹ thuật canh tác lúa lạc hậu nên trong nhiều năm năng suất không tăng lên được. Tuy nhiên, từ ngày có lực lượng FF bám đồng cùng bà con, phương thức canh tác đã thay đổi từ lạc hậu sang hiện đại nên năng suất lúa đã tăng gấp đôi. Đời sống của người dân thay đổi rõ rệt".

Kỹ sư lội ruộng, lùa trâu...

Ông Thạch Minh kể lại, hồi lực lượng FF mới về Phú Cần, bà con nông dân chỉ "nhìn bằng nửa con mắt" vì không ai tin mấy anh kỹ sư mặt mũi non choẹt, thư sinh như con gái lại biết trồng lúa. Nên khi được các kỹ sư hướng dẫn, ông Minh nói thẳng: "Mỗi công đất, tui sạ lan 20kg giống còn không ăn thua, mấy chú em kêu tui sạ hàng chỉ 10kg giống, lúa mọc thưa thì lấy gì mà ăn".

“Làm theo mấy anh FF, ruộng nhìn không mát mắt chút nào nhưng bụi lúa nào cũng trĩu hạt. Chỉ sau vụ đông xuân 2006 - 2007, nông dân tụi tui đã tin mấy anh FF”.

Những người hàng xóm của ông là Thạch Lập và Văn Dữ cũng kiên quyết không nghe lời bởi cách làm lúa mà kỹ sư hướng dẫn khác xa với tập quán canh tác lâu nay của bà con. Vì vậy, tới ngày xuống giống tập trung, nông dân ấp Cầu Tre tìm mọi cách để... “chống chính quyền”. Nhiều người báo với xã là giống bị mất, sau đó đợi trời tối mới đem giống ra rải trên ruộng. Không còn cách nào khác, các kỹ sư FF đành phải trực tiếp lội ruộng sạ hàng cho nông dân. Không làm kịp, họ phải thuê nhân công để xuống giống cho kịp mùa vụ.

Chưa hết! Khi cây mạ lên xanh, nhiều nông dân lấy cớ "lúa mọc thưa", lùa trâu bò xuống ăn lúa vì họ đoán chắc lúa có chín cũng không đủ cho... chim ăn. Lúc này, mấy anh kỹ sư FF lại kiêm thêm nhiệm vụ... lùa trâu bò lên khỏi ruộng. Không ai có thể tin rằng, ngày thu hoạch, những đám ruộng mọc lưa thưa lại cho năng suất lên đến 8 - 9 tấn/ha.

"Trồng theo kiểu cũ, cả đồng lúa vàng rực nhưng chỉ toàn là lúa. Còn làm theo mấy anh FF, nhìn không mát mắt chút nào nhưng bụi lúa nào cũng trĩu hạt. Chỉ sau vụ đông xuân 2006 - 2007, nông dân tụi tui đã tin mấy anh FF. Hơn chục vụ lúa trôi qua, nhiều nông dân xóm này đã làm giàu nhờ FF" - ông Thạch Minh quả quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem