Công ty là mái ấm

Thứ ba, ngày 22/06/2010 06:35 AM (GMT+7)
(NTNN) - Không chỉ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu được cá tra sang thị trường Nhật Bản, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức còn để tâm đến việc xây dựng công ty thành một mái ấm của người lao động.
Bình luận 0
 img
Ông Lê Việt Tiến

Năm 2001, ông Lê Việt Tiến thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức - VD Food trên nền một kho bãi thuê của tư nhân ở quận 12 TP.HCM.

Với kinh nghiệm quản lý Agrex Sài Gòn, ngay từ đầu ông đã hoạch định chiến lược sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến. Ông mời được một chuyên gia thực phẩm người Đan Mạch về cộng tác và giúp đào tạo đội cán bộ quản lý và công nhân thành thạo sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng.

Khi nhận thấy đã đứng vững trên thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến, năm 2005 công ty mới quyết định chuyển hẳn về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc để “an cư lạc nghiệp”. Nhà máy có 4 dây chuyền sản xuất thực phẩm chế biến hải sản (cá, mực, bạch tuộc, tôm), hàng giá trị gia tăng, hàng chín và hàng sushi.

Tháng 2-2009, VD Food lại đưa thêm một nhà máy chế biến cá tra vào hoạt động tại Tiền Giang. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất chế biến 170 tấn nguyên liệu/ngày, chủ yếu để cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm giá trị gia tăng. Trước khi xây dựng nhà máy này, ông Tiến đã lo xây dựng trại sản xuất giống và vùng nuôi cá nguyên liệu. Đến nay, công ty đã có 70 ao nuôi cá ở Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre, sản lượng 50.000 tấn cá mỗi năm, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản xuất của công ty. Công ty còn đầu tư 40ha nuôi cá chẽm ở Tiền Giang.

Đưa cá tra sang Nhật

Ít người biết rằng, từ 2 năm nay VD Food đã xuất khẩu được các sản phẩm chế biến từ cá tra sang thị trường Nhật, vì thị trường này chủ yếu tiêu thụ các loài cá biển và tôm nuôi. Mỗi tháng công ty xuất được vài container, chủ yếu là hàng tinh chế, tẩm bột, chiên sơ, nướng, tẩm gia vị, xiên que với rau quả, nước sốt và gia vị.

Điều kiện tiên quyết để làm được hàng cá nước ngọt cho thị trường Nhật là sạch và nhà máy phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bắt đầu giờ sản xuất, công nhân phải làm vệ sinh dụng cụ làm việc. Trong quá trình sản xuất, có chuông báo làm vệ sinh tay 1 giờ/lần và thay dụng cụ mới, trước khi nghỉ trưa phải vệ sinh dụng cụ bằng xà bông, nước sạch, ngâm qua dung dịch chlorin và rửa lại bằng nước sạch. Trong giờ làm việc công nhân chỉ làm vệ sinh tay, còn dụng cụ có người chuyên rửa theo đúng quy trình.

 img
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Ông Tiến cho biết bí quyết: “Thứ nhất, phải nghĩ đến tính bền vững. Muốn bền vững thì phải có thương hiệu và bí quyết độc đáo, người khác khó bắt chước. Người ta có thể cạnh tranh nhưng không “giết” mình được. Thứ hai, thực phẩm làm cho người ăn thì phải làm kỹ lưỡng. Đó cũng là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Thứ ba, không làm hàng thô, chỉ làm hàng tinh chế, như qua lửa, nướng, chiên sơ, nướng sơ, tẩm gia vị,... ít nhất cũng phải là tẩm bột. Tẩm bột là bình thường nhất, mà phải đưa thêm các loại gia vị, rau quả mà mình có vào sản phẩm. Thứ tư, muốn làm hàng tinh chế thì phải có đội ngũ kỹ thuật giỏi và chăm lo đời sống cho họ”.

Tăng lương để đảm bảo đời sống công nhân

Mỗi năm, ông Tiến thường 5-6 lần gặp gỡ công nhân để nói chuyện với họ về chính sách quản lý của nhà nước có thể ảnh hưởng đến đời sống của họ. Mỗi khi giá xăng dầu lên, ông tăng tiền lương và tiền ăn cho công nhân với lý do “nếu không thì làm sao sống nổi”.

Ít người biết rằng, sản phẩm Seafood Harmony (gồm philê cá chẽm, cồi điệp, tôm sú thịt và nước xốt) mà bà xã của ông, bà Trương Thị Lệ Khanh (Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn) mang đi dự thi tại hội chợ Brussels 2009 và đoạt giải thưởng Seafood d Elite, phần lớn do chính tay công nhân Vạn Đức làm ra. Đến nay, Vĩnh Hoàn là công ty đầu tiên của Việt Nam và duy nhất của châu Á giành được giải thưởng uy tín quốc tế này tại Hội chợ Thủy sản Quốc tế châu Âu.

Tết vừa rồi, ông tuyên bố: “Lãnh lương đợt này mỗi công nhân được thêm 500.000 đồng, cán bộ quản lý được thêm 1/4 tháng lương, lý do là họ nghỉ Tết dài ngày quá nên chắc chắn thiếu tiền. Ngoài ra, sau Tết lên làm việc, mỗi công nhân được lì xì 200.000 đồng, cán bộ quản lý 500.000 đồng”.

Vạn Đức là một trong số rất ít công ty tư nhân ở TP.HCM dám đầu tư xây dựng không chỉ nhà ở cho 400-450 cán bộ, công nhân mà còn cả nhà trẻ cho con cái của họ. Tại Tiền Giang cũng vậy, mặc dù xây dựng nhà máy chế biến thủy sản sau nhiều DN khác nhưng Vạn Đức cũng lại là đơn vị đầu tiên nghĩ đến việc xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân.

Hiện công ty đã đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng 100 phòng ở cho 600-800 công nhân, chưa kể tiền mua đất. Công nhân khi đau ốm đều được y tá công ty đưa đi bệnh viện khám bệnh, khi gia đình gặp khó khăn đều được hỗ trợ. Những công nhân nghỉ Tết muộn, được công ty cho xe đưa về tận quê để kịp đón giao thừa với gia đình và sau Tết lại được xe công ty đưa lên làm việc.

Tất cả những việc làm đó xuất phát từ ý niệm: “Mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự đóng góp của tất cả anh em cán bộ công nhân trong công ty”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem