Mới “chen lấn” cũ!
Việc tu bổ, tôn tạo không gian khuôn viên, cây xanh của khu vực công viên, di tích này là điều cần thiết để tạo sự khang trang, sạch đẹp, phục vụ nhu cầu vui chơi, tham quan của nhân dân và các hoạt động nghi thức, lễ hội truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi về một số hạng mục xây dựng đã gần hoàn thành tại khu vực công viên, di tích này, có thể thấy ở một số vị trí, giá trị về cảnh quan không những không được củng cố, nâng cao mà còn bị giảm đi.
Khung cảnh cũ thoáng đãng… Ảnh: D.X
Tại hướng vào công viên - di tích từ mặt phố Tây Sơn, thời gian qua đã mọc lên một chiếc cổng mới đồ sộ, mái ngói cong theo phong cách truyền thống, tường ốp đá có chạm khắc hình hoa. Chiếc cổng trông rất nặng nề, không những tạo thêm sự chật chội, bí bách mà còn che khuất tầm nhìn đối với chiếc cổng cũ của phế tích Trung Liệt miếu ở phía trong, vốn được xây ở lưng chừng gò Đống Đa từ xưa, dáng cao, thanh thoát. Hình ảnh của hai chiếc cổng mới và cũ này thật tương phản!
Và khung cảnh mới chật chội ở khu vực tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Ảnh: D.X
Ở khu vực tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, phía sau lưng tượng đài đã mọc lên một đền thờ quá đồ sộ, cao gần bằng tượng đài và có khoảng cách rất gần. Trước kia, dù còn có nhiều ý kiến đa chiều xung quanh hướng, vị trí đặt tượng đài…, nhưng nếu quan sát từ xa đến gần, ở phía sau chỉ có bức phù điêu chạy dài, thấp hơn chân tượng đài, phía trên là cả một khoảng không thoáng đãng. Cùng với nền cây xanh đằng sau và bên trái tượng đài, khu vực này tạo điểm nhấn và góc nhìn tập trung vào hình ảnh Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Còn hiện nay, đền thờ mới xây lại trở thành một khối lớn có xu hướng “cạnh tranh” đối với tâm điểm là tượng đài ở phía trước.
Có thành bài học?
Quan điểm
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng
Trường hợp gò Đống Đa này càng cho thấy kiểu tôn tạo - xây mới, cái mới
to hơn cái cũ đã trở thành
căn bệnh trầm kha của ngành
văn hóa nước ta rồi!”.
Nhận xét về “tình cảnh” hiện nay qua “những gì trông thấy”, kiến trúc sư (KTS) Phạm Quang Sơn cho rằng: Hình thức, kiến trúc cổng mặt phố Tây Sơn dùng nhiều mảng đặc tạo cảm giác nặng nề, lại không ăn nhập và tỷ lệ chưa phù hợp nên “nuốt” hình dạng cổng cũ của Trung Liệt miếu. Bên cạnh đó, việc xây dựng mới đền thờ Vua Quang Trung đã không đảm bảo nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc là tượng đài nên tượng đài này đã bị lấn át, gây cảm giác bị nhỏ đi hơn trước. Cho rằng đây là một trường hợp đáng tiếc, theo KTS Sơn, nên nghiên cứu ốp đế chân tượng đài bằng vật liệu khác, đồng thời có hàng cây xanh che bớt phần chân của phù điêu…
Còn KTS Phạm Thanh Tùng – Hội KTS Việt Nam thì tỏ ra ngao ngán về khung cảnh mới chật chội ở công viên – di tích gò Đống Đa. Ông cho rằng: “Trường hợp gò Đống Đa này càng cho thấy kiểu tôn tạo - xây mới, cái mới to hơn cái cũ đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành văn hóa nước ta rồi!”.
Việc xây mới một số hạng mục như vừa nêu, hóa ra lại gây phản tác dụng đối với cảnh quan và hạng mục cũ quan trọng đã có. Dự án này dù chưa hoàn thành, nhưng một số bất cập về hình thức đã thấy rõ. Không hiểu việc thiết kế cổng mới, đền thờ mới cả về hình dáng, quy mô lẫn vị trí tọa lạc, đã nhận được sự góp ý của các chuyên gia về kiến trúc, điêu khắc, xây dựng tượng đài như thế nào?
Liệu việc tôn tạo công viên – di tích gò Đống Đa có trở thành một bài học kinh nghiệm đối với nhiều nơi khác trong việc tôn tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan? Nhất là khi hàng loạt công trình văn hóa, di tích đang được ra sức trùng tu, tôn tạo và Hà Nội cũng đang có chủ trương cải tạo không gian, cảnh quan của nhiều tượng đài. Không nên chỉ muốn làm to, làm lớn, làm hoành tráng mà phá vỡ đi sự thoáng đãng vốn có!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.