Covid - 19: "Không nên khoanh vùng quá rộng, vẫn phải tạo điều kiện làm việc"

Thanh Phong Thứ ba, ngày 04/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch Covid – 19 lần 2 có thể gây thiệt hại kinh tế nặng nề hơn so với đợt 1. Tuy nhiên, với kinh nghiệm “trận mạc” từ lần chống dịch thứ nhất, vẫn có nhiều điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2020.
Bình luận 0

Sau gần 100 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến thời điểm này, Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca bệnh mới. Đáng chú ý, Việt Nam đã có những ca tử vong đầu tiên do dịch Covid – 19.

Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid - 19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bên cạnh việc chống dịch hiệu quả, vẫn cần phát triển các hoạt động kinh tế.

"Chúng ta không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát. Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhận định về ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đến nền kinh tế thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, đợt dịch thứ 2 đang diễn biến rất nhanh và có nguy cơ lan rộng với số ca nhiễm tăng lên hàng ngày.

Theo đó, số lượng người thuộc nhóm đối tượng F1, F2 rất lớn và chủng virus cũng đã khác so với trước. Do đó tác động của dịch Covid – 19 sẽ tới nhiều mặt của nền kinh tế và không đơn giản như trước.

Ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid - 19 lần 2 có thể nặng nề hơn lần 1 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

"Nếu dịch bệnh lan rộng, các nhà xưởng sẽ phải cho công nhân nghỉ, nhiều nơi phong tỏa, hạn chế đi lại. Điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí và nỗ lực để ngăn chặn dịch cũng sẽ tăng lên. Ngược lại, sức mua giảm sút do thu nhập của người dân giảm.

Theo đó, ông Doanh cho biết, để "trợ thở" cho nền kinh tế phải có biện pháp phòng tránh, cách ly phù hợp. Cần xác định rõ những vùng có yếu tố lây lan, khoanh vùng cách ly nhưng không "ngăn sông cấm chợ".

"Theo tôi, không nên khoanh vùng quá rộng, những người không liên quan vẫn phải tạo điều kiện để làm việc. Trong đó, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử sẽ là "chìa khóa" cho việc phát triển. Ngoài ra, cần có các biện pháp trợ giúp cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trước mắt, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm, tránh dịch bệnh lây lan", TS. Lê Đăng Doanh đánh giá.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho hay, nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm 2020 và các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, Covid-19 đã tạo ra một sự tàn phá vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đối tượng ảnh hưởng đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và doanh nghiệp trong một số ngành như du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày. Số lượng các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa cao hơn bất kỳ một giai đoạn nào trước đây.

Ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid - 19 lần 2 có thể nặng nề hơn lần 1 - Ảnh 2.

Nhiều ngành hàng không thiết yếu như may mặc, điện tử, đồ gỗ,...có thể gặp khó khăn thời gian tới.

"Sự trở lại của dịch bệnh ngay lập tức đã làm lu mờ những tia hy vọng về sự sớm phục hồi đối với ngành du lịch và đối với một số địa phương hiện nay đang nằm trong tâm dịch.

Mức độ và quy mô tác động đối với nền kinh tế của làn sóng Covid-19 mới này hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch sẽ được khống chế như thế nào trong những tuần tới. Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, tác động về kinh tế sẽ rất lớn do quy mô tác động về cả phương diện địa lý và ngành bị ảnh hưởng", ông Bình nói.

Nói đến kịch bản kinh tế Việt Nam các tháng cuối năm 2020, ông Bình cho rằng, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, khả năng tăng trưởng dương ở mức thấp là vẫn khả thi.

"7 tháng đầu năm 2020 đã khẳng định sự kiên cường của các doanh nghiệp Việt. Đối diện với những tổn thất vô cùng lớn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới.

Niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì thể hiện qua các doanh nghiệp mới được thành lập, các dự án đầu tư của các công ty tư nhân lớn được khởi công, nhiều công trình từ nguồn vốn đầu tư công được hoàn thành và đưa vào sử dụng, số lượng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, xuất nhập vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng và tiêu dùng trong nước vẫn được duy trì ổn định", ông Bình nhận định.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem