Covid-19: Nên tập trung làm xong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 26/08/2020 06:30 AM (GMT+7)
PV Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) về vấn đề nên hay không nên triển khai gói hỗ trợ lần 2.
Bình luận 0
Nên tập trung làm xong gói 62.000 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Ông Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH).

Bộ LĐTBXH vừa triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả gói hỗ trợ này?

- Bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tổng kết và thấy rằng, những mục tiêu cơ bản không đạt được, hoặc đạt được hạn chế. Dù gói hỗ trợ có trị giá lên tới 62.000 tỷ nhưng mức giải ngân mới được khoảng hơn 17.000 tỷ đồng, đây là mức rất thấp. Việc hỗ trợ chủ yếu giành cho các nhóm đối tượng người có công; hộ nghèo; người bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên đây không phải nhóm đối tượng gặp khó khăn nhất do Covid-19. Đối tượng khó khăn nhất chính là nhóm lao động bị mất việc, còn những nhóm trên dù có Covid-19 hay không có Covid-19 thì họ vẫn được nhận trợ cấp hàng tháng nên ít chịu tác động. May mắn, trong lúc khó khăn nhất, những nhóm lao động mất việc, không có thu nhập vẫn nhận được hỗ trợ, dù là nhỏ nhưng là ngay lập tức từ hệ thống an sinh ngoài công lập (tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...) giúp đỡ.

Theo báo cáo của các địa phương thì có nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ do thiếu các tiêu chí. Quá trình phê duyệt đối tượng thụ hưởng thì quá chậm, nhiều giai đoạn. Khi giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi thì vẫn chưa thể hỗ trợ kịp thời.

Nên tập trung làm xong gói 62.000 tỷ đồng  - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH trao quà hỗ trợ cho lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: I.T

Từ những phân tích trên, theo ông có cần phải triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2 không?

- Quan điểm cá nhân tôi thì không cần thiết phải triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2. Lý do là bởi gói thứ nhất ta chưa giải ngân hết, chỉ cần đầu tư thêm nguồn lực để làm tốt gói đó. Còn nếu triển khai gói thứ 2 thì cần phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ gói thứ nhất. Mà phải tổng kết nhanh, để xem gói thứ nhất tại sao lại không làm được, khó khăn ở đâu.

Về vấn đề này, như tôi đã nói, báo chí và các cơ quan quản lý cũng đã tổng kết và thấy rằng, những mục tiêu cơ bản không đạt được, hoặc đạt được hạn chế. Vì vậy, điều làm tôi lo lắng là liệu chúng ta có khắc phục được những hạn chế trong triển khai đợt 1 để làm tốt triển khai ở đợt 2. Tất nhiên gói hỗ trợ lần 2 đã mở rộng đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình... và các nhóm lao động chịu tác động dịch bệnh. Nhưng, nếu thực hiện cần phải xem xét lại điều kiện hưởng, quá trình lập danh sách, phê duyệt danh sách cho kịp thời.

Vậy nếu triển khai gói hỗ trợ lần 2 thì theo ông cần lưu ý những điểm gì?

- Tôi cho rằng nếu làm thì cần phải thay đổi phương thức triển khai. Kinh nghiệm của các nước, thà không làm thì thôi, làm thì cũng không thể làm quá chặt chẽ. Có thể do nguồn lực của mình cũng hạn chế nên chúng ta phải làm chặt chẽ cho đúng đối tượng, tránh thất thoát. Nhưng nếu đặt trọng tâm vào việc tránh thất thoát mà làm quá chặt chẽ thì mục tiêu hỗ trợ nhanh, kịp thời sẽ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, thiếu các điều kiện để rà soát, phê duyệt đảm bảo minh bạch nên một số địa phương cũng xảy ra tình trạng lo sợ, dẫn tới làm quá thận trọng vì sợ sai, sợ bị xử lý.

Thêm vào đó, cần phải xây dựng chính sách để các cấp ở địa phương vững tâm thực hiện. Tránh việc lo sợ làm sai, bị xử lý nên không làm. Cần phải nói thêm rằng, trong điều kiện thảm họa, việc hỗ trợ cần làm nhanh, làm gấp, vì thế sẽ không thể tránh khỏi việc làm sai, chưa chuẩn. Nếu cái sai đó là do yếu tố khách quan, không phải sai do chủ đích, cố tình làm sai thì cũng phải chấp nhận, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, sau thực hiện nếu phát hiện sai phạm vẫn có quyền truy tố, truy thu...

Vậy theo ông, về lâu dài Việt Nam cần phải có điều chỉnh gì về mặt chính sách nhằm ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp?

- Về lâu dài theo tôi, cần phải chú trọng tới những chính sách đối phó với thảm họa, rủi ro. Vấn đề thiên tai, địch họa, dịch bệnh... cần được tính toán để đưa vào các chính sách đó nhiều hơn. Trước đây, trong quá trình xây dựng chính sách, việc đánh giá rủi ro là rất ít. Kinh nghiệm xây dựng chính sách trong giai đoạn mới cũng cần tính toán tới việc kiểm soát, xử lý khi rủi ro nhiều hơn. Quan điểm là cần hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh, cần phải ứng phó nhanh, chứ không phải thực hiện an toàn, tránh không bị thất thoát. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sai sót, thất thoát chứ không thể tránh được.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem