Đề xuất gói hỗ trợ cho DN, người lao động vì Covid-19: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó thực hiện?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 26/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trong khi gói hỗ trợ dành cho người gặp khó khăn do Covid-19 trị giá 62.000 tỷ đồng chưa giải ngân xong thì mới đây Bộ LĐTBXH đã tiếp tục đề xuất thực hiện gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để có thể triển khai gói hỗ trợ lần 2.

Tiếp thêm 18.600 tỷ đồng…

Cụ thể, theo đề xuất, kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này lên tới 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.

Đề xuất gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động: Gói 1 chưa xong, gói 2 khó thực hiện? - Ảnh 1.

Hỗ trợ cho nhóm lao động tự do tại quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: I.T

Trả lời PV Báo NTNN/Dân Việt vào chiều 24/8, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì. Bộ LĐTBXH chỉ lên đề xuất góp ý. Tuy nhiên, vấn đề mới chỉ là đề xuất chưa được phê duyệt nên chưa thể có ý kiến chính thức.

Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi).

Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Gói 1 còn chưa xong…

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, tính đến giữa tháng 8/2020 chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ với lượng giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng (chiếm 19%). Trong đó, nhóm được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới lao động khối phi chính thức khó tiếp cận chương trình hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Hương - quản lý cao cấp chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - tổ chức đang có các hoạt động nghiên cứu gói hỗ trợ tài chính cho người lao động trong đại dịch, cho rằng lý do chính là họ không có giấy tờ chứng minh. Yêu cầu "có đăng ký thường trú hoặc tạm trú" là rất khó thực hiện vì những người lao động di cư thường có đặc điểm di biến cao, trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi lại khá rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động di cư phải lấy xác nhận của cả hai nơi, nơi đăng ký thường trú và tạm trú. Thủ tục này cũng phức tạp, làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là đối với người lao động di cư đến từ các tỉnh, thành xa xôi.

"Ngoài ra, không phải lao động tự do nào cũng nhận được hỗ trợ, trong khi đó công việc của họ rất đa dạng. Chỉ một số ít tỉnh thành, thực hiện mở rộng được nhóm đối tượng ngoài 6 nhóm đối tượng lao động tự do có trong danh sách, ví dụ như TP.Hồ Chí Minh mở rộng ra nhóm giáo viên tư thục" - bà Hương nói.

Bà Nguyễn Thu Giang - Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng A sáng (LIGHT) thành viên của Mạng lưới lao động di cư M.net đánh giá cao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, là đơn vị trực tiếp hỗ trợ lao động di cư tiếp cận gói hỗ trợ, bà Giang cho rằng, thật khó để nhóm này có thể tiếp cận. Lý do là bởi các điều kiện hỗ trợ quá khắt khe, cơ chế thủ tục rườm rà và việc thống kê, lên danh sách tốn mất nhiều thời gian.

Cần thay đổi cách thức hỗ trợ

Mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ và cho rằng cần thiết phải triển khai những gói hỗ trợ mới, thế nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu thực hiện cần phải có sự điều chỉnh trong việc đưa ra các điều kiện, cũng như cách thức triển khai.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nên thực hiện gói hỗ trợ lần 2. Điều này thể hiện tinh thần nhân văn của Chính phủ, góp phần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó trong đại dịch Covid - 19. Tuy nhiên, theo ông Quảng nếu tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần 2 thì cần phải nghiên cứu kỹ về các thức thực hiện.

Ông Quảng cho rằng, gói thứ nhất có quá nhiều tiêu chí, điều kiện hưởng... nên khó triển khai. Với gói thứ 2, dù hướng tới nhóm đối tượng và điều kiện hưởng khác với gói một nhưng điều này có thể vẫn là chưa đủ, cần mở rộng hơn.

"Quan điểm của cá nhân tôi là vẫn tiếp tục gỡ rối để thực hiện gói 62.000 tỷ đồng, và vẫn nên triển khai gói hỗ trợ lần 2. Tuy nhiên cần nới rộng điều kiện, mở rộng cả đối tượng thụ hưởng, bởi vì thực tế có rất nhiều nhóm cần hỗ trợ vẫn chưa được tiếp cận" - ông Quảng nói. 

img

Thủ tục còn rườm rà

"M.net và Oxfam đang thu thập ý kiến phản hồi của người lao động về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong số 990 người đã nhận hỗ trợ, khi nhận xét về chất lượng dịch vụ, có 754 lượt đánh giá thủ tục rõ ràng, minh bạch, 505 lượt đánh giá hài lòng với thời gian xử lý đơn hỗ trợ nhanh gọn hợp lý, và 340 lượt đánh giá hồ sơ được giải quyết đúng hẹn. Ngoài ra, có 76 lượt ý kiến không hài lòng với chất lượng dịch vụ, bao gồm thủ tục hành chính rườm rà, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài mà không có giải thích thỏa đáng, xử lý hồ sơ trễ hẹn, cán bộ có thái độ chưa tốt, tác phong thiếu chuyên nghiệp và chuyên môn chưa tốt".

Bà Nguyễn Thu Giang -

Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT)


img

Cần xây dựng nhanh cơ sở dữ liệu

"Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho việc hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gặp khó khăn là bởi chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Chỉ cần xây dựng cơ sở dữ liệu gốc, sau đó yêu cầu người dân tự nhập dữ liệu vào là chúng ta có thể có được bộ dữ liệu gốc rồi. Thêm vào đó, chúng ta có thể hỗ trợ nhanh, không lo sai sót. Nếu sai sót sau này vẫn có thể hồi tố, truy thu nếu cần".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động - việc làm



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem