CSGT chốt trước nhà hàng, dân nhậu ra hỏi “dắt xe về được không?”

Ngọc Phạm Chủ nhật, ngày 05/01/2020 08:21 AM (GMT+7)
Không dám chạy xe qua chốt CSGT do đã uống 6 lon bia, thực khách đi bộ từ trong nhà hàng ra để hỏi CSGT.
Bình luận 0

Clip CSGT Q.10 ra quân kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe vào tối 4/1.

Tối 4/1, Đội CSGT Q.10 phối hợp với CSTT và các lực lượng liên quan đã tổ chức tuần tra, lập chốt xử lý các trường hợp vi phạm giao thông xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là “ma men” đã uống rượu bia mà vẫn lái xe. Sau gần 3 giờ làm việc, lực lượng này đã dừng xe, xử lý 35 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, xử phạt 7 tài xế có nồng độ cồn trong khí thở và nhiều trường hợp xe thiếu kính chiếu hậu, nghe điện thoại khi lái xe, không xuất trình đầy đủ giấy tờ xe,…

Theo đó, từ 20h30, đoàn công tác lập chốt ở khu vực tập trung nhiều quán nhậu tại P.12, Q.10 là đoạn giao giữa đường Cao Thắng và Trần Dư Khương. Thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, nhiều người đang dắt xe ra khỏi quán nhậu đã giật mình, sửng sốt và tuyệt nhiên không dám ngồi lên xe.

img

Thấy CSGT phục kích ngay trước nhà hàng, nhiều người đã chọn phương án an toàn là đi xe ôm công nghệ về nhà.

Ghi nhận của phóng viên, do CSGT “phục kích” khá gần nên chủ các nhà hàng đã đánh động cho khách hàng của mình “án binh bất động” bên trong. Một số trường hợp có dấu hiệu say xỉn vẫn cố chạy về theo đường vòng để né chốt CSGT, một số khác đang di chuyển trên đường thì bất ngờ quay đầu bỏ chạy rất nguy hiểm. Mặc dù vậy, nhiều “ma men” chạy xe khi đã uống bia vẫn bị CSGT mời vào đo nồng độ cồn, lập biên bản xử phạt.

Đáng chú ý, trong khi CSGT đang tất bật đo nồng độ cồn và kiểm tra giấy tờ xe của các phương tiện thì anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi) đi bộ ra từ một quán nhậu, thú nhận với các chiến sĩ CSGT rằng: “Nói thật là tôi có uống bia rồi. Nhưng nhà tôi bên kia đường, giờ tôi ra đây xin là cho tôi dắt xe về có được không?”.

Trước tình huống này, trung tá Nguyễn Hữu Lanh - Đội phó Đội CSGT Q.10 đã nhắc anh Dũng để xe lại quán, đặt xe ôm công nghệ để về. “Chỉ mấy chục ngàn thôi, anh nên đặt xe để về cho an toàn. Chứ giờ anh dắt xe rồi chút xíu anh cũng leo lên chạy, gây nguy hiểm cho mình, cho người ta”, trung tá Lanh trao đổi.

Nghe trung tá CSGT gợi ý, anh Dũng gửi lời cảm ơn và tỏ ra vui vẻ, hài lòng. Chia sẻ với phóng viên sau đó, anh Dũng cho hay, thật ra anh chỉ đang hỏi trước để giúp một người bạn của mình là anh Quốc (36 tuổi, ngụ đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận) ra về. Tự nhận thấy việc chạy xe khi đã uống 6 lon bia là nguy hiểm, anh Dũng và anh Quốc quyết định mở ứng dụng lên gọi xe ôm công nghệ.

img

Anh Đỗ Hồng Quốc đang đặt xe ôm công nghệ.

Cũng tại chốt này, CSGT đã ra hiệu dừng xe máy 68M1 - 020.xx do anh Duy (27 tuổi, quê Kiên Giang) cầm lái. Ngay khi vừa xuống xe, anh Duy trung thực cho biết mình đã uống bia, xin được cho qua. Song theo đúng quy trình, CSGT đã lập biên bản xử phạt anh Duy về lỗi lái xe khi đã uống rượu bia với nồng độ cồn đo được là 0,134mg/l khí thở.

img

Anh Duy nghiêm túc chấp hành việc xử phạt do lái xe khi đã uống rượu bia.

Khác với anh Duy, một nam thanh niên bị dừng xe sau đó tự tin tuyên bố “em đâu uống rượu bia gì đâu”. Tuy nhiên, khi thổi vào máy đo nồng độ cồn, con số hiện ra là 0,087mg/l khí thở. Không đồng ý với kết quả này, nam thanh niên yêu cầu được đo lại và CSGT đã đáp ứng bằng ống thổi mới hoàn toàn, song kết quả lần thứ hai vẫn gần như vậy với 0,089mg/l.

Theo quy định tại Điểm c, Điều 6, Khoản 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cả hai thanh niên nói trên đều sẽ bị xử phạt hành chính số tiền 2,5 triệu đồng, đồng thời bị tạm giữ phương tiện 7 ngày và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 11 tháng.

Sau hai trường hợp xử lý người lái xe khi đã uống rượu bia ở giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Dư Khương, CSGT Q.10 cùng các lực lượng liên quan tiếp tục chuyển sang giao lộ Thành Thái - Bắc Hải thuộc P.15, Q.10. Tại đây, thêm nhiều “ma men” đã bị lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện và bằng lái.

Bên cạnh đó, nhiều người có nhà gần nhà hàng trên đường Cao Thắng, không chạy xe nhưng cũng xin thổi thử vào máy đo nồng độ cồn. Với các trường hợp này, CSGT cũng vui vẻ cho người dân “test” để họ nhận thức mức độ say xỉn của mình. Kết quả, có những người vượt mức cao nhất theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

img

Người dân xin “test” thử nồng độ cồn trong khí thở, dù không chạy xe và không bị CSGT yêu cầu.

CSGT ra quân xử phạt “ma men”, số vụ tai nạn giao thông có giảm?

Trong 2 ngày 1 -2/1, toàn quốc xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem