Bạn Nguyễn Thanh Hương, quận Hai Bà Trưng hỏi: Trong thời gian qua tôi thấy lực lượng chức năng ra quân, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, trong quá trình lập chốt, cảnh sát giao thông vẫn gặp trường hợp lái xe vi phạm chống đối, không hợp tác với cảnh sát giao thông. Vậy xin hỏi, với trường hợp này, cảnh sát giao thông có được khống chế, bắt người vi phạm không?
Trả lời:
Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Thông tư 32/2023/TT-BCT quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông quy định:
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT có các quyền như dừng phương tiện; kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.
Song song với đó, trong lúc làm nhiệm vụ, CSGT phải giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm pháp luật và có quyền cưỡng chế, yêu cầu họ chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.
Ngoài ra, Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ cũng nêu rõ:
Trong trường hợp có hành vi chống đối bằng vũ lực thì CSGT được phép bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm và tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của họ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo luật sư Giang, nếu hành vi vi phạm giao thông đơn thuần, CSGT không có quyền trấn áp mà sẽ tuyên truyền, giải thích cho người dân, người vi phạm hiểu rõ.
Còn với trường hợp người vi phạm không chấp hành, lực lượng chức năng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.
Với những trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ hay các phương tiện nguy hiểm khác để tấn công, chống trả, người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, súng hoặc công cụ hỗ trợ khác để trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.