Cụ bà sống qua ba thế kỷ

Thứ hai, ngày 15/02/2010 22:29 PM (GMT+7)
Tết năm nay, cụ bà Trần Thị Nguyệt, ở thôn Thuỷ Diện, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế sẽ tròn...120 tuổi. Cụ Nguyệt vẫn còn rất mạnh khoẻ và minh mẫn đến khó tin.
Bình luận 0

Mẹ Việt Nam Anh hùng

Theo giấy tờ thì cụ Nguyệt sinh năm 1890. Chồng cụ, ông Đào Diệt, sinh năm 1909, nhỏ hơn cụ Nguyệt 19 tuổi. Hiện cả hai vợ chồng cụ đều đang sống với cháu nội là ông Đào Văn Doãn, năm nay  45 tuổi.

img
Cụ Trần Thị Nguyệt.

"Mặc dù chứng minh thư của mệ tui được làm lại từ thời Bình Trị Thiên, nhưng năm sinh 1890 là con số được nhớ chính xác. Và sở dĩ ông nội tui nhỏ hơn mệ đến 19 tuổi là do thời Pháp, ông tui khai tụt tuổi để trốn lính, chứ thực ra, năm nay ông khoảng 115 - 116 tuổi chứ không ít mô" - ông Doãn khẳng định. 

Vợ chồng cụ Nguyệt có tất cả 5 con (4 trai, 1 gái), nhưng hiện chỉ còn duy nhất 1 người con gái đã xấp xỉ 90 tuổi. Cả 4 con trai của cụ đã lần lượt hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1994, cụ Nguyệt được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hai cụ có tất cả 27 cháu nội ngoại; 16 chắt (gọi cụ Nguyệt bằng cố/cụ) và hơn 10 người gọi bằng chiu (sơ). 

Trong căn nhà lớn của ông Doãn, vợ chồng cụ Nguyệt hai người ngồi hai giường ở hai đầu nhà. Cụ Diệt mặc dù nhỏ tuổi hơn, nhưng lại không được khoẻ và minh mẫn bằng vợ. Khi chúng tôi chào cụ, cụ cũng chỉ nhìn mà không có phản ứng gì đặc biệt.

Theo các thành viên trong nhà thì bây giờ cụ bị nặng tai, mắt mờ, hầu như không nhớ gì, nên suốt ngày chỉ nằm và ngồi trên giường chứ không đi lại. Tuy nhiên, cụ vẫn còn ăn mỗi bữa được một, hai chén cơm và đặc biệt, mỗi ngày hút đến... 2 gói thuốc lá. Khói thuốc sau nhiều năm đã làm đen sạm tất cả những đầu ngón tay của cụ chứ không còn vàng như thường thấy.

Ngược lại, cụ Nguyệt không những vẫn ăn khoẻ, không ốm đau mà còn tự đi lại được, lưng thẳng, tai to, mũi dài, nói năng linh hoạt và trí nhớ còn rất tốt. Nhìn bên ngoài, người mới gặp lần đầu dễ đoán cụ chừng tầm...90 tuổi là cùng. "Già rứa chớ mọi vấn đề về vệ sinh, tắm rửa, mệ đều tự làm hết chứ không cho ai đụng vào" - ông Doãn nói. 

“Không hại ai nên sống lâu"  

Điều đặc biệt là cụ Nguyệt rất thích kể chuyện, dù bây giờ chỉ nhớ điều được điều mất. Tuy vậy, có những chuyện cụ lại kể khá rành rọt như chuyện lấy chồng từ năm 19 tuổi, sau đó sinh con, rồi các con đã lần lượt bỏ cụ mà đi trong chiến tranh như thế nào... Thi thoảng, đang nói chuyện cũ, cụ lại sực nhớ chuyện mới. Cụ nhắc tên lần lượt từng người cháu nội.

Có một chuyện, theo lời ông Doãn thì không hiểu sao, nhiều năm trở lại đây, gặp ai mệ cũng kể lại chuyện bị địch bắt, đánh đập một cách giống nhau: "Hồi năm 72, tui đi tiếp tế cho cách mạng thì bị địch bắt. Thằng Thanh ấp trưởng ác ôn hắn đá tui một cái vào hông làm gãy mấy cái xương sườn. Hắn đưa tui ra doi cát Mũi Hàn phơi nắng, còn gí súng vào mang tai doạ bắn, nhưng tui nhất quyết không khai".

img
Chứng minh nhân dân của cụ Nguyệt ghi sinh năm 1890.

Tò mò hỏi con cháu bí quyết nào khiến cả hai cụ đều sống đại thọ và mạnh khoẻ, chính ông Doãn cũng ngạc nhiên: "Có bí quyết chi mô. Cả hai ông bà mệ đều sống, làm việc, ăn uống, sinh hoạt... bình thường như bao nhiêu người khác trong làng. Tuy nhiên, trong khi những người cùng thời, thậm chí bằng tuổi con, sống cỡ đến hơn 70 tuổi là đi hết, vậy mà riêng hai ông bà lại được thọ thế.

Không những trong làng, mà ngay cả trong gia đình nội ngoại cũng không có ai sống thọ như ri". Hỏi cụ Nguyệt, cụ cười móm mém rồi trả lời rất sương khói: "Tui sống lâu là do cả đời tui chuyên làm điều thiện, không hại ai, không ăn hô nói thừa, không trộm cắp của ai một đồng, không tị nạnh hơn thua với ai, dù chỉ là một câu nói...".

Nói xong mệ thở dài: "Mà sống lâu như ri làm chi cho khổ con khổ cháu. Nhiều đêm đi ngủ tui mong ngủ luôn cho khoẻ, nhưng đến sáng lại mở mắt sống tiếp...".  

Cuối chuyện, khi thân mật hơn với chúng tôi, cụ Nguyệt bắt đầu nói tếu. Khi một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi biếu cụ ít tiền để ăn trầu. Cụ cầm tờ tiền săm soi: "Mấy đây?" Một  thành viên trong đoàn trả lời: "Dạ năm chục ngàn đó mệ".

Mệ cười: "Chao, nhiều hè. Mệ hỏi để lỡ mai ra mua đồ, mấy đứa bán hàng nó không lừa mệ. Thấy mệ già rồi, mấy đứa hắn hay lừa, thối tiền thiếu cho mệ lắm". Cả nhà cười nghiêng ngả. 119 tuổi mà đáo để như mệ Nguyệt thế là cùng!

Theo kết quả tìm kiếm trên mạng Google thì có thể người sống lâu nhất trên thế giới hiện nay là cụ Gertrude Baines, 115 tuổi,  hiện đang sống tại Viện dưỡng lão Western Convalescent ở Los Angeles, Mỹ (được Tổ chức các Kỷ lục Thế giới Guinness World Records ghi nhận). Cụ vừa kỷ niệm sinh nhật tuổi 115 với âm nhạc, bánh ngọt và một lá thư chúc mừng từ Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 6-4-2009.

Mạng này cũng ghi nhận người cao tuổi nhất ở Việt Nam hiện nay là cụ Trần Thị Vận, 116 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình người con trai 70 tuổi ở Đà Nẵng. Như vậy, nếu các thông tin trên và mốc năm sinh 1890 ghi trong Chứng minh nhân dân của cụ Trần Thị Nguyệt là chính xác, thì nhiều khả năng, cụ Nguyệt không chỉ là người cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay mà còn cao tuổi nhất thế giới.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem