Cù lao có 1.300 phụ nữ lấy chồng ngoại-thương con sáo sang sông

Thứ ba, ngày 12/11/2019 19:25 PM (GMT+7)
Cù Lao Dung là một huyện đảo thuộc tỉnh Sóc Trăng. Từ hướng thành phố Sóc Trăng, đi qua phà Long Phú mênh mông sóng nước, đứng trên phà nhìn thấy xanh xa ngút mắt về phía cửa biển Trần Đề, Định An, ấy là Cù Lao Dung mướt màu cây trái. Cù Lao Dung mỡ màu, tốt tươi là vậy nhưng Cù Lao Dung vẫn nghèo!
Bình luận 0

Cái nghèo chung của những người nông dân chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và cây trái thì chưa thoát khỏi cảnh được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa”! Nhiều cô gái trẻ ở Cù Lao Dung đã xuất ngoại theo làn sóng lấy chồng người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia...

Qua sông, người viết bài lại nhớ câu hát “Ai xui... ai xui mà con sáo mà sang sông...!”. Tự lòng lại hỏi lòng: có bao phận người, bao cô gái đã qua dòng sông Hậu? Phải chăng, mưu cầu về một cuộc sống khấm khá hơn đã đưa đẩy nhiều kiếp phận, nhất là những cô gái trẻ dấn thân vào canh bạc cuộc đời?

img

Bà Phan Thị M. với cuộc sống hiện tại nghèo khó, đơn chiếc.

Những thông tin từ Hội Phụ nữ huyện Cù Lao Dung và Công an huyện Cù Lao Dung cho thấy: đã có gần 1.300 chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhưng đời sống của chị em đa phần không được như ý muốn! Qua những đối tượng mai mối, các cô gái trẻ kết hôn với những người già có, trẻ có.

Cuộc sống của họ ở xứ người với đầy rẫy bi kịch và nước mắt dội về quê nhà Việt Nam là những vết cứa buốt xót vào đời sống xã hội. Đã có những người mẹ mòn mỏi chờ đợi con về mà năm này qua năm khác không được biết tin con... Đã có những đứa con lai về quê mẹ khi chúng chưa kịp hiểu thế nào là tổ ấm... Và, có cả những cái chết thương tâm của cô dâu Việt ở xứ người...

Chợt thấy những câu xàng xê não nề của bài “Lý Con sáo” nghe cũng như nhịp sóng dòng sông Hậu xàng xê bởi đã chứng kiến bao cuộc sang sông của các cô gái trẻ! Xưa, người ta biết đến Cù Lao Dung là “cù lao cây trái”. Nay, người ta gọi chốn này là “cù lao lấy chồng ngoại” vì hàng ngàn cô gái đã bỏ xứ theo chồng!

Trần Thị D. đã trở về quê nhà được gần 4 năm. Cô gái ấy bước chân theo chồng khi mới 17 tuổi. Khi được mai mối lấy chồng, D. trẻ trung, phơi phới thanh xuân! Nhà nghèo, cha mẹ không có ruộng, phải đi làm mướn kiếm ăn qua ngày, D. học hết cấp 2 rồi cũng đi làm mướn.

Mẹ em nghe người ta mách có người làm mai mối cho con gái lấy chồng Trung Quốc để được sướng cái thân, lại được nhà trai cho cả trăm triệu để cha mẹ cầm về cất lại căn nhà lá ọp ẹp, vậy là mẹ em ưng liền. Cô gái trẻ được mẹ hối đi lấy chồng nên nghe theo lời mẹ, bởi em “nghe muốn thích” khi bà mối nói lấy chồng có nhà lầu xe hơi, rồi cha mẹ lại có khoản tiền sửa nhà coi như em được báo hiếu.

Câu chuyện đi lấy chồng nước ngoài của Trần Thị D. cũng giống như câu chuyện của con gái bà Phan Thị M. - cùng ở dải đất Cù Lao Dung. Bà M. gần 70 mươi tuổi, có một mụn con gái. Bà cũng nghe lời “cô Hai” trên Sóc Trăng về nói có người nước ngoài giàu có muốn kiếm vợ Việt Nam. Bà M. vốn nghèo lại đau bệnh luôn, sống dựa vào mấy trăm nghìn trợ cấp khó khăn của nhà nước.

Nghe “cô Hai” mách vậy, bà bàn với con trai lớn gọi con gái đang đi làm mướn ở thị trấn về để bảo con mau lấy chồng. Chuyện của hơn 10 năm trước còn đó trong kí ức bà: “Con nó mới 19 tuổi, thương mẹ, nghe người ta nói ra ngoài đi rồi có tiền, có bạc gửi về cho cha mẹ, nghe lời vậy tôi cho đi đầu này nhưng họ đem đi chỗ khác, mình không ngờ được”.

Bà M. và nhiều người cũng như mẹ con D. không thể hiểu được những lời đường mật của đám mai mối, cò mồi “lấy chồng ngoại”. Không thể biết đằng sau đó là dã tâm của chúng bởi chúng hiểu giấc mơ “đổi đời” của nhiều cô gái, nhiều gia đình ở tận những thôn ấp xa xôi. Chúng khiến những người như D. và mẹ cô, cũng như mẹ con bà M. nuôi hy vọng không còn cảnh làm mướn kiếm ăn qua ngày.

D. đã đi với kẻ mai mối cùng những háo hức, hi vọng về cuộc sống đủ đầy hơn, sung sướng hơn. Nhưng D. không hiểu rằng, đám mai mối trá hình có thể bất chấp tất cả. Chúng tìm kẽ hở để lách luật. Chúng chỉ cần gã đàn ông ngoại quốc xem mặt, ưng ý. D. kể lại: “Lúc đó em 17. Xem giấy chứng minh của em, bà ấy coi là 17 tuổi chưa đủ để lấy chồng nhưng lỡ mua vé rồi nên bà ấy đưa em đi luôn rồi họ làm như thế nào đó, em vẫn qua Trung Quốc để lấy chồng”.

Tình cảnh mẹ con bà M. cũng vậy. Bà M. kể: “Người ta nói mình nghèo, mình không có tiền lo giấy tờ, thủ tục, người ta lo hết, miễn cho đi thì đi thôi, thành ra tôi mới nghe lời người ta cho con đi”. Nhưng, chỉ sau 2 tháng con rời nhà, bà M. nhận được tin con gái đến Malaysia được ít ngày thì mất tích.

Hơn 10 năm qua, bà mòn mỏi đợi con về. Giấc mộng đổi đời của hai mẹ con đã trở thành cơn ác mộng. Còn Diễm, cơn ác mộng đến với cô 4 năm trước và có lẽ sẽ đeo đuổi cô nhiều ngày tháng.

Không có nhà lầu xe hơi, không có cuộc sống như người mai mối tô vẽ với cô gái 17 tuổi, chỉ có sự cùng cực tuyệt vọng bao vây lấy cô. D. cười buồn kể lại: “Nghe nói đi có tiền để gửi về cho ba mẹ cất nhà, em cũng thấy thích. Nhưng về bên kia nhà nó nghèo, cũng làm nông nghiệp. Nó đánh bạc, uống rượu suốt ngày, em mắng nó nhưng mẹ nó bênh nó.

Rồi mẹ con họ suốt ngày nhốt em không à, không cho em đi đâu hết trơn. Nó đánh đập, chửi bới, nhốt em cả năm trời. Nó đánh đập dữ lắm, cả hai mẹ con nó đánh, còn dọa giết em. Lúc đầu em cự lại, rồi sau em sợ không dám cự lại nữa. Rồi thấy em ngoan hơn, nó không nhốt em nữa. Nó cho em đi quanh quanh ở khu vực gần nhà. Sau một hồi, em biết có một chị cũng người Việt Nam mình qua bên đó lấy chồng, ngay gần chỗ em, chị ấy bị đánh đập ghê lắm...”.

Như con sáo sang sông bay vào chốn mịt mù, sau năm đầu bị gã chồng đánh đập rồi ruồng bỏ, giam hãm như người bị cầm tù, khi được tự do hơn thì D. lại phải làm việc không khác gì bị bóc lột sức lao động. D. thoáng chút thảng thốt trên gương mặt khi nhắc lại chuyện cũ: “Họ cho em ăn ngày có một bữa mà kêu em làm quá trời luôn, làm không được là họ đánh đập em tới đi hết nổi. Em cũng thấy có một cô gái kế bên nhà là người Việt Nam, gia đình nó cũng đánh đập cô ấy vì 6 năm không đẻ được rồi giết cô ấy. Em thấy lo sợ, sợ tới em cũng bị giết như vậy...”.

Kể đến đó, D. chùng giọng xuống: “Em tiếc sao không tìm hiểu xem chị ấy ở đâu để sau này trốn về báo cho gia đình chị ấy biết!”.

img

Cù Lao Dung xa xanh nhìn từ chuyến phà sang ngang sông Hậu.

Thực tế cho thấy, trình độ dân trí của người dân thuộc những vùng quê có “phong trào” lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia còn thấp. Những người cha, người mẹ vốn là nông dân chất phác, họ tìm cơ hội cuộc đời trong cuộc mưu sinh gắn với ruộng đồng. Với những được mất đã trải qua vì manh áo, miếng cơm, những người cha, người mẹ cũng không có điều kiện để con có thể học cao hơn.

Và, họ cầu may vào tương lai của con, nhất là người con gái khi làn sóng “lấy chồng ngoại” tràn đến quê hương họ. Mẹ D. cũng muốn D. đi để con được đổi đời và rồi có tiền báo hiếu, phụ giúp cha mẹ ở quê nghèo. Những cô gái như D. bị tiếng đời coi là hám lợi, ham tiền!

Nhưng phải chăng mong mỏi con có thể trả hiếu cha mẹ khi lấy chồng ngoại của nhiều người đã góp phần đẩy đưa các cô gái trẻ vào hành trình viễn xứ? Đồng ý để D. rời Cù Lao Dung sang sông lấy chồng ngoại, bố mẹ D. nhận 10 triệu đồng từ người làm mai còn 300 triệu bà mai bỏ túi với lời hứa sẽ gửi thêm cho ông bà. Cái gật đầu để con đi với mơ ước đổi đời dường như nhuốm màu gả bán!

Nhưng cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo và bà mai không quay lại chốn cù lao. Căn nhà lá xác xơ khi D. đi lấy chồng đến ngày D. bỏ trốn khỏi nhà chồng để trở về vẫn nguyên xơ xác. Chỉ có nỗi xót lòng vì những khổ cực, trầm luân là có thật!

Câu chuyện của mẹ con bà Phan Thị M. còn bi kịch hơn câu chuyện của D. Sau khi đồng ý để con gái theo mai mối sang Malaysia lấy chồng rồi hay tin con mất tích, bà M. đã được Công an huyện Cù Lao Dung đến làm việc nhiều lần theo đơn trình báo con mất tích của bà.

Nhưng chính bà cũng không rõ manh mối nào về kẻ mai mối bất hợp pháp nên tin về con gái bà vẫn như bóng chim, tăm cá. Bao nhiêu năm bà đã mỏi mòn, kiệt quệ trong nỗi nhớ con. Những tưởng cho con được sung sướng nhưng giờ đây bà M. chất chồng đau khổ.

Tiếng nói đứt quãng vì tuổi cao, đau bệnh, đôi mắt bà M. chỉ trực trào nước mắt: “Đau khổ dữ lắm, nhớ ngày nhớ đêm, nhớ hình, nhớ tướng, thấy con ai cũng nhớ, cũng khóc. Người ta gạt tôi làm chi mà ác đức như vậy, người ta gạt con tôi làm chi cho đau khổ tôi. Phải chi người ta hai, ba đứa con, tôi có đứa một mà đành đoạn gạt tôi, hỏi làm sao tôi sống nổi...”.

Tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân và hệ lụy việc những cô gái Cù Lao Dung lấy chồng ngoại quốc, Công an huyện Cù Lao Dung và cơ quan chức năng đã cùng trăn trở về thực trạng này. Đó không chỉ là số phận pháp lý trong hôn nhân của các cô gái mà cả những hệ lụy phía sau đó.

Đại tá Phạm Văn Ứng, Trưởng Công an huyện Cù Lao Dung cho biết: “Cù Lao Dung là một trong những địa phương có số lượng các cô gái lấy chồng nước ngoài nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, đại đa số thông qua môi giới bằng cách thông qua người thân của những người đã có chồng trước kia rồi quay về môi giới.

Có nhiều trường hợp môi giới nhằm mục đích trục lợi. Qua bên kia do bất đồng ngôn ngữ, do hôn nhân không xuất phát từ tình yêu, do khác biệt về phong tục tập quán nên các cô gái không thích nghi được với cuộc sống ở đất nước họ đến kết hôn. Có rất nhiều trường hợp bị ngược đãi rồi phải quay về Việt Nam. Họ mang con về kéo theo những hệ lụy về địa vị pháp lý của đứa trẻ”.

Trước câu chuyện những đứa trẻ con lai trở về Cù Lao Dung cùng mẹ, Công an huyện Cù Lao Dung đã gặp gỡ, trao đổi hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn về địa vị pháp lý cho các cháu do yếu tố nước ngoài. Nhưng, những cuộc hôn nhân thiếu khuyết các thủ tục pháp lý khi viễn xứ theo chồng cũng như khi trở về của người mẹ đã khiến các cháu là người chịu chung hệ lụy khi làm các thủ tục về khai sinh, nhập hộ khẩu để đi học; có rất nhiều khó khăn, trở ngại do không có đầy đủ các loại giấy tờ vì các cháu có yếu tố nước ngoài.

Gia đình bà Ung Thị Ng. ở trong một ấp sâu, qua con đường đất bùn lầy và cây cầu khỉ bắc qua dòng kênh ngầu phù sa mới vào đến nhà. Con gái bà cũng như bao cô gái Cù Lao Dung lấy chồng ngoại không được như ý muốn nên đã trở về quê mẹ. Rồi cô để lại con nhỏ mang hai dòng máu Việt - Mã Lai nhờ cậy mẹ trông nuôi để lên thành phố tìm việc. Giấc mơ đổi đời khi sang sông viễn xứ của con gái bà đành đứt đoạn.

Những đứa trẻ con lai như cháu bà Ng. ở Cù Lao Dung hay ở các vùng đất khác ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa kịp hiểu thế nào là tổ ấm đã rời quê cha về nơi quê mẹ. Chúng sẽ yêu luống đất, góc vườn, quê mẹ để rồi lớn lên sẽ gắn bó chẳng rời xa hay lại sẽ về quê cha, tương lai của chúng sẽ ra sao? Đó đều là những vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng hiện nay.

Đại tá Phạm văn Ứng trăn trở: Muốn bớt đi những bi kịch của các cô gái lấy chồng ngoại quốc cần thông qua các tổ chức xã hội nâng cao nhận thức của người dân để người dân cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kết hôn với người nước ngoài, nâng cao nhận thức pháp luật với họ. Lâu dài hơn nữa là giải quyết vấn đề kinh tế, giải được bài toán kinh tế, cuộc sống của người dân khá hơn, không bức bách về kinh tế, họ sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định kết hôn, không vì một số tiền nào đó mà đánh đổi cuộc sống của mình.

Chiều xuống suộm màu tím thắt lòng. Bà M. run rẩy đi lên cây cầu bê tông mới bắc qua con kênh nối liền hai ấp, khi tiễn con gái lấy chồng, bà M. cũng đứng bên dòng kênh nhìn con bước qua cây cầu khỉ chênh vênh. Nhưng, con sáo bay đi đâu mãi chưa về làm lòng người mẹ càng thêm quặn thắt. Bà M. không bao giờ muốn con gái phải đánh đổi cuộc sống của mình! Bà chỉ mong một ngày thấy con trở về qua dòng kênh này chứ không phải viễn xứ mong ngày báo hiếu mẹ.

Ngô Phương Hạnh (Báo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem