Cụ ông 76 tuổi miệt mài với những đầu sư tử mèo, gà đất "biết gáy" ở xứ Lạng

Mộc Trà Thứ ba, ngày 12/01/2021 09:10 AM (GMT+7)
Bước sang tuổi 76, nghệ nhân Hoàng Choóng (thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn miệt mài nặn những đầu sư tử mèo, gà đất "biết gáy" gọi mùa xuân về.
Bình luận 0

Trong tiết trời buốt giá của mùa đông, người ta vẫn thấy một cụ ông tỉ mẩn với công việc nhào nặn đất, tô vẽ với đủ màu sắc để tạo nên những chiếc đầu sư tử mèo, con gà đất "biết gáy" trong căn nhà nhỏ ở thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn. Đó chính là nghệ nhân Hoàng Choóng (sinh năm 1945) - người luôn tâm huyết, miệt mài với các sản phẩm thủ công truyền thống.

Cụ ông 76 tuổi miệt mài làm đầu sư tử mèo và những con gà đất "biết gáy" - Ảnh 1.

Dù đã 76 tuổi nhưng nghệ nhân Hoàng Choóng (thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn miệt mài làm ra những chiếc đầu sư tử mèo.

Cầm trên tay chiếc đầu sư tử mèo mới họa xong màu, ông Hoàng Choóng say sưa giới thiệu: "Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian, thường được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Theo quan niệm, năm mới sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó"

Nhấp chén trà nóng, ông bồi hồi kể lại: "Khi còn là một chàng thiếu niên 13 - 14 tuổi, cứ vào mùa xuân, ông được theo các già làng tham gia các hoạt động tại các lễ hội. Lớn hơn chút, ông được đi biểu diễn cùng đội múa sư tử mừng hội “Lồng tồng” ở các làng bản. Ông may mắn được cụ Nông Xuân Quyền -nghệ nhân nổi tiếng nhất trong vùng hướng dẫn, truyền nghề cách làm ra con sư tử mèo, con gà đất biết gáy. Từ đó, thứ đam mê này cứ theo ông đến tận bây giờ”.

Ông Choóng cho biết, sau thời gian dài làm công tác giảng dạy và công tác văn hóa thông tin ở huyện, ông nghỉ hưu vào năm 2002. Từ đó, ông đã dành nhiều tâm huyết hơn cho việc chế tác các sản phẩm đầu sư tử mèo, con gà đất... Trong dịp Tết cổ truyền, rất nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến nhà ông để đặt mua đầu sư tử mèo, gà đất "biết gáy".

Cụ ông 76 tuổi miệt mài làm đầu sư tử mèo và những con gà đất "biết gáy" - Ảnh 3.

Đầu sư tử mèo do nghệ nhân Hoàng Chóong làm ra.

Theo ông Choóng, cái độc đáo của đầu sư tử mèo và con gà đất là làm bằng chất liệu đất sét. Để làm ra một đầu sư tử mèo, ông Choóng phải mất hơn một 1 tuần. Khâu chọn đất để lên khuôn mặt con sư tử là khâu khó nhất.

"Loại đất này phải là loại đất thó (loại đất sét trắng có ở giữa dòng sông, suối) nên việc lấy được loại đất này cũng rất vất vả", ông nói.

Ban đầu phải đi chọn loại đất thó, sau đó mang về giã mịn, sàng sảy đều, cho nước ngâm tới độ mịn, quánh. Tới khi nặn, phải tập trung để làm sao đầu sư tử vừa phải đúng nguyên mẫu mà dáng hình ngày càng phong phú, đẹp. Sau khi đất se khô thì dán giấy bồi, sơn, vẽ các màu lên các hình thù của sư tử sao cho hợp lý, ấn tượng, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các loại vải nhiều màu, bông, lông vào đầu và đuôi con sư tử.

Cụ ông 76 tuổi miệt mài làm đầu sư tử mèo và những con gà đất "biết gáy" - Ảnh 2.

Ở đầu và đuôi của gà đất được khoét 2 lỗ phát ra âm thanh khác nhau. Trên mình con gà đất cũng được tô vẽ nhiều hoa văn, họa tiết với sơn màu đẹp mắt, sinh động, cuốn hút trẻ con.

Theo ông Choóng, tương tự như khi làm đầu sư tử mèo, để làm ra được những con “cáy cộc” (gà đất gáy), đòi hỏi người làm phải rất tỉ mẩn, chính xác tô vẽ từng chi tiết nhỏ. Việc khó nhất khi làm con "cáy cộc" là chọn đất tốt, đảm bảo khi khô không vỡ nứt, có độ bền cao.

Vừa nói, ông Choóng vừa chỉ những con gà đất nhỏ như quả trứng vịt: “Khi nặn chú ý tách gà thành 2 khối tạo thành 2 khối tách biệt, được kết nối bởi một lớp giấy xi măng dai, bền. Ở đầu và đuôi gà được khoét 2 lỗ phát ra âm thanh khác nhau. Nếu khách dùng tay kéo giãn thì gà phát ra tiếng kêu “cộc, cộc” như gà mẹ gọi gà con. Còn nếu khách dùng miệng thổi thì gà đất kêu rất to “Ò, ó, o”, ở cách xa 30 mét vẫn nghe rõ, rất vui tai”.

Cụ ông 76 tuổi miệt mài làm đầu sư tử mèo và những con gà đất "biết gáy" - Ảnh 4.

Cụ ông 76 tuổi say sưa giới thiệu sản phẩm đầu sư tử mèo, gà đất biết gáy đến du khách và người dân.

Dù đã ngoài 76 tuổi nhưng vào những ngày cuối tuần, tại phố đi bộ Kỳ Lừa, ông Hoàng Choóng vẫn miệt mài giới thiệu cho người dân và du khách về những chiếc đầu sư tử mèo, con gà đất... với mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của xứ Lạng.

"Ông tâm huyết, đam mê và muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống để con cháu biết đến các đồ chơi dân gian. Đầu sư tử mèo, gà đất là những đồ chơi vừa tiết kiệm lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không độc hại như các đồ chơi bằng nhựa, cao su như hiện nay. Ông rất muốn bằng cách nào đó nét văn hóa này được lưu giữ và phát triển", ông Hoàng Choóng tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem