Cụ ông bán kẹo bông lâu nhất Sài Gòn và ký ức "ngọt lịm" của lũ trẻ

Mộc Miên – Phong Sương Thứ hai, ngày 06/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Chiếc xe kẹo không chỉ chở theo sự ngon ngọt, niềm vui, bài học làm người cho lũ trẻ, mà còn lưu giữ bao ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò…
Bình luận 0

img

Ông Huỳnh Văn Bảy (94 tuổi) là một trong những người bán kẹo bông gòn lâu đời nhất ở Sài Gòn.

70 năm qua, cụ ông Huỳnh Văn Bảy (94 tuổi, ngụ phường 8, quận 4, TP.HCM) vẫn rong ruổi cùng chiếc xe kẹo bông gòn đi khắp nẻo đường Sài Gòn. Là một trong những người bán kẹo bông lâu đời nhất ở đô thị này, ông Bảy tạo cho mình được một thương hiệu khá thân thương “Kẹo bông gòn ông ngoại”.

Nhắc đến ông, nhiều lứa học trò nhớ như in về một ông già tóc ngả màu sương nắng, nụ cười gần gũi và những cây kẹo bông gòn đủ hương vị milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng… ngọt thơm đến sợi cuối cùng, có khi còn que tre cũng muốn... ngấu nghiến nốt.

Gian truân vào nghề

Gặp ông trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trực (quận 8), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cụ ông tuy đã ở tuổi 94, nhưng minh mẫn, nhanh nhẹn và cách nói chuyện đầy duyên dáng.

img

Hàng ngày ông rong ruổi khắp các cổng trường học với chiếc xe gắn tấm bảng hiệu “Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ, chỉ có milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng, me, cam là số dách”.

Chỉ vào tấm bảng hiệu “Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ, chỉ có milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng, me, cam là số dách”, ông Bảy cho biết “thương hiệu” kẹo bông gòn của ông bắt đầu từ đó. Và rồi, hàng xóm hay học trò gặp ông, ai cũng gọi với cái tên thân thương: Ông ngoại.

Ngồi bên xe kẹo, phe phẩy chiếc quạt, ông thuật lại cái duyên đến với nghề: “Ngoại (tức ông cụ - PV) sinh ra ở Tiền Giang, thuở thiếu thời, làm công nhân ở xưởng mía đường. Nhưng gia đình sa cơ, chán nản cảnh nợ nần, năm 20 tuổi ngoại lang bạt khắp nơi rồi đánh liều sắm chiếc xe, chế chiếc cối đốt đường tạo ra kẹo bông gòn. Buổi đầu lắm khó khăn khi cối muốn đốt nóng, phải đạp bằng sức người, khiến đôi chân mỏi nhừ. Máy “ăn đường nhả mây” của ngoại thường xuyên không cho ra “mây” mà tan chảy thành nước”.

Ông kể thời gian đầu lỗ nặng, đổi 3-4 cái máy. Đến khi mày mò chế tạo máy kẹo bông hoàn chỉnh, ông đi bán khắp các trường học ở miền Tây. Cũng lắm lúc rơi vào cảnh quay kẹo ra nhưng ế, ông chỉ biết mang về nấu chè ăn.

img

"Ông ngoại" đang chế biến món kẹo bông gòn. 

Thời gian sau, ông mang xe kẹo lên Sài Gòn - nơi có nhiều trường học và các cô cậu học trò cũng có tiền, làm ăn được nên ông gắn bó luôn với mảnh đất này. “Xe kẹo bông gòn đã giúp ngoại có tiền cưới vợ, nuôi bốn mặt con nên người”, ông Bảy nói.

“Trường học ở Sài Gòn, từ trường nhỏ đến trường to, chỗ nào ngoại cũng đã từng bán, vài bữa ở quận này lại chuyển qua quận khác. Kẹo của ngoại không bỏ đường hóa màu. Vị cam là ngoại lấy từ cam và màu của trái gấc, vị sầu riêng là từ trái sầu riêng, vị dứa là lá dứa… xay ra rồi nấu lên sên đường vô cho vị nào thành vị đó”, chỉ vào những bọc kẹo treo trên xe", ông lý giải.

img

Kẹo bông "Ông ngoại" chỉ có đường và nguyên liệu tự nhiên, không có phẩm màu. 

Xe kẹo chở tình người

Một thìa đường cho vào cối xay mất chừng 2 phút là có que kẹo bông gòn ngọt thơm, mỗi cây bán 5.000 đồng. Ông Bảy thật thà kể: “Đi bán mấy chỗ lễ hội đông người, ngoại cũng chỉ bán đúng giá 5.000 đồng chứ không lựa thời cơ hét giá lên như người ta”.

Chị Nguyễn Thị Năm, bán hàng rong ở Trường Tiểu học Nguyễn Trực cho hay: “Mỗi lần thấy đứa học sinh nào đi học về bị hư xe là ổng liền nhanh tay sửa giúp. Nếu sửa không được ổng dẫn xe đến tiệm cho tiền tụi nó sửa. Ổng bán kẹo bông gòn lâu đời nhất Sài Gòn đó!”.

img

Không chỉ bán kẹo, ông Bảy còn thường răn tụi nhỏ về cách làm người...

Không chỉ bán kẹo, ông Bảy còn thường răn tụi nhỏ về cách làm người, đứa nào quậy phá, đánh bạn bè, hay trốn học ông nhất quyết không bán. Những đứa trẻ nhà nghèo không có tiền mua kẹo, cứ thậm thụt nhìn bạn bè ăn, hiểu ý ông liền quay kẹo mang đến cho.

“Mấy lần ngoại qua bán ở những trường khuyết tật, thấy tụi nhỏ thương quá, cả xe kẹo quay ra cho tụi nó hết mà chẳng lấy đồng nào. Mình bán bằng cái tâm cái tình mà con…”, quệt giọt mồ hôi, ông kể thêm rằng những cô cậu học trò hay ăn “kẹo Ông ngoại” giờ nhiều người đã bốn, năm chục tuổi.

“Đang chạy xe ngoài đường lâu lâu lại gặp mấy đứa nhỏ hồi xưa kêu lại, dúi vào tay vài trăm ngàn, mà ngoại chẳng nhớ là đứa nào. Tụi nó cứ nói ngoại còn sống nó mừng lắm vì ngoại giữ cả tuổi thơ của tụi nó. Có đứa đi du học, mỗi lần về lại Sài Gòn là chạy đến bảo ngoại quay cho nó chục cây ăn cho đã ghiền…”, ông bộc bạch.

img

Ông già 94 tuổi mang đến niềm vui cho lũ học trò bằng chiếc xe kẹo bông gòn.

Tiếng trống trường vang lên, học sinh vừa chạy ra cổng vội vây quanh xe kẹo bông gòn, một cậu nhỏ hớn hở nói: “Bán cho con 2 cây nghen ngoại, sao lâu quá ngoại không ghé đây bán. Nhớ ngoại, nhớ kẹo quá chừng. Kẹo bông gòn của ông ngoại là “số dách” đó”.

Lê Văn Toàn, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Trực, chia sẻ: “Mẹ con kể hồi nhỏ mẹ ăn kẹo bông gòn của ông ngoại suốt. Mẹ sợ kẹo của người khác làm từ đường hóa học nên không cho con ăn, chỉ được ăn kẹo của ngoại. Nhìn ông ngoại bán kẹo con nhớ đến ngoại con ở quê lắm”, rồi Toàn nói với ông: “Ngoại ráng sống lâu thiệt lâu để bán kẹo cho con đó”.

img

Những ngày học sinh nghỉ học, ông Bảy len lỏi vào các con hẻm bán cho trẻ nhỏ.

Không chỉ nói chuyện hài hước khi bán kẹo, ông Bảy còn có tài lẻ là làm ảo thuật dùng cây bút đâm qua tờ tiền, bỏ chiếc nhẫn vào dây chuyền nhưng không cần tháo sợi dây ra…, khiến đứa trẻ nào xem cũng cười tít mắt.

Ở cái tuổi này, bạn bè ông đa phần đã về với đất, hay người còn sống thì cũng đang vật vờ chống chọi bệnh tật, nhưng ông Bảy thì vẫn cùng chiếc xe - cần câu cơm của mình rong ruổi tìm kế sinh nhai. Nhiều người hỏi mua chiếc xe kẹo bông gòn với giá vài chục triệu, nhưng ông không bán.

“Mai này nhắm mắt, chắc chiếc xe cũng bỏ không, ai cần đến thì cho họ”, ông nói.

img

Nhiều người hỏi mua chiếc xe kẹo bông gòn với giá vài chục triệu, nhưng ông không bán.

Những ngày học sinh nghỉ học, ông Bảy len lỏi vào các con hẻm bán cho trẻ nhỏ. “Vì ngày ngày đều vui bên tiếng cười của tụi nhỏ, mà suốt mấy chục năm đi bán, tay chân vẫn khỏe mạnh, đôi khi chỉ bị cảm mạo, đi bán về là khỏi ngay”, ông tâm sự.

Hôm hay tin ông nhập viện, vô thăm, tôi hỏi “Ngoại có sợ chết không?”, ông cười khà khà lạc quan: “Già thì phải chết thôi con, chỉ sợ khi chết rồi nhớ tụi nhỏ!”.

Ông Bảy vẫn yêu đời, vẫn cố đem chút sức lực còn lại để mang cho những cô cậu học trò “chút vị tuổi thơ” - như ông từng tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem