Cử tri kiến nghị “dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ GDĐT ý kiến thế nào?
Cử tri kiến nghị “dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ GDĐT ý kiến thế nào?
Hà Linh
Thứ năm, ngày 17/10/2024 13:10 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang về việc xây dựng Thông tư mới về dạy thêm, học thêm. Đáng chú ý, cử tri kiến nghị bổ sung công tác dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo thông tin từ Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Hà Giang, cử tri Hà Giang kiến nghị Bộ GDĐTnghiên cứu, xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, theo hướng: Hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ dạy thêm, học thêm; đồng thời bổ sung công tác dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là điều cần thiết để công tác quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn, đồng thời nhằm bảo đảm các quy định quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành.
Cử tri cho biết, hiện nay, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT chỉ còn quy định về các nguyên tắc trong hoạt động dạy thêm, học thêm; quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm và quy định về các công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về vấn đề cử tri Hà Giang kiến nghị, Bộ GDĐT cho biết,dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của học sinh, cha mẹ học sinh nhằm đáp ứng mong muốn nâng cao tri thức, phát triển năng khiếu cá nhân. Nếu thực hiện đúng nhu cầu thực tế của học sinh, cha mẹ học sinh thì đây là một cách huy động sự tham gia của gia đình vào giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ngày 16/5/2012, Bộ Trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư (Luật số 03/20167QH14) đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn phù hợp. Vì vậy, ngày 26/8/2019, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 quy định tại Thông tư số 17.
Tuy nhiên, theo Bộ GDĐT, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm (Điều 3); các trường hợp không được dạy thêm (Điều 4); trách nhiệm của các cấp quản lí, cơ sở giáo dục về hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 15, 16, 17, 18, 19); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 20); công tác Thống nhất và xử lí vi phạm (Điều 21, 22).
Bộ GDĐT nhìn nhận, trên thực tế, trong thời gian qua nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, đến nay Bộ GDĐT đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 17 và đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ GDĐT để xin ý kiến rộng rãi. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.