Cử tri quan tâm vụ việc liên quan Việt Á, AIC và đề nghị "truy" rõ nguyên nhân
Cử tri quan tâm vụ việc liên quan Việt Á, AIC và đề nghị "truy" rõ nguyên nhân
PVKT
Thứ hai, ngày 31/10/2022 16:22 PM (GMT+7)
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đắk Nông cho biết, cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua và những vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đắk Nông đã đóng góp ý kiến về báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.
Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế cần có giải pháp xử lý như nhận thức trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao, công tác thống kê tài sản, tổng hợp, cập nhật biến động tài sản, tính khấu hao tài sản tại một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn bất cập. Việc quản lý đất công, nhà công chưa chặt chẽ, để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.
Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh cần quan tâm xử lý, đó là khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản nhà nước, trong mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực công lập còn xảy ra nhiều sai phạm.
Đặc biệt, đại biểu Kiều cho biết, cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua và những vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC.
"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian đến", đại biểu Kiều nhấn mạnh.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng, nhạy cảm, phức tạp, trong khi đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí và thực tế xảy ra các vi phạm ở nhiều địa phương mà các cơ quan chức năng đang xử lý hiện nay.
Do đó, đại biểu cho rằng nếu không tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ ảnh hưởng đến công tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Cụ thể, một số tồn tại như sau: Việc triển khai một số quy định, thủ tục trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đất nước, khoáng sản còn chậm; công tác quản lý tài nguyên của một số địa phương còn lỏng lẻo; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa triệt để dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là diện tích có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn diễn ra phức tạp, kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp xử lý căn cơ; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác vật liệu, san lấp mặt bằng bán diễn ra phức tạp, chưa kiểm tra, thanh lý triệt để; trong tổ chức bộ máy quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước còn một số bất cập; công tác quy hoạch thiếu tính tổng thể, còn dàn trải.
Về nhiệm vụ, giải pháp, đại biểu Kiều nhất trí như trong báo cáo của đoàn giám sát và dựa trên tình hình thực tiễn, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung.
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng khi thi hành công vụ.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hóa quản lý gắn kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ba là, tăng cường thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào một số nội dung, lĩnh vực như quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đó là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan để bổ sung những vấn đề còn thiếu, sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Hiện nay, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với chế tài đủ mạnh để cảnh tỉnh và đủ sức răn đe, làm hành lang pháp lý là nhằm bảo vệ chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của đất nước từ sớm, từ xa, nhất là đội ngũ cán bộ", đại biểu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.