“Của nợ” tiền trường

Thứ năm, ngày 15/09/2011 06:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thật khó hình dung khi ngay đầu năm học mới, gần như tất cả các trường phổ thông trong cả nước đã đồng loạt thu “tiền trường” gồm rất nhiều khoản, trong đó có những khoản đã bị Bộ GDĐT cấm từ năm ngoái.
Bình luận 0

Ngạc nhiên hơn, tổng những khoản thu bổ trên đầu một học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 còn cao hơn học phí của một sinh viên đại học (trường công) trong cả năm. Nói như thế không phải để các trường đại học “tị” và cũng ào ào tăng học phí, thì chết sinh viên nghèo! Nhưng tiền trường ở các bậc học phổ thông bây giờ, đối với đa số phụ huynh học sinh, thực sự đã thành “của nợ”. Nó giống như tiền thuốc khi vào bệnh viện, không ai dám trả giá, nói đóng bao nhiêu là cun cút đóng từng ấy, nếu không lại sợ con cháu mình bị… đuổi học.

Tất cả các trường phổ thông đều có ban đại diện cha mẹ học sinh (tức Hội Phụ huynh học sinh). Đó là điều không thể nói là không cần, nhưng dường như ban đại diện cha mẹ học sinh bây giờ sinh ra chủ yếu là để… thu tiền của phụ huynh học sinh cho vô vàn các hoạt động của trường cần “xã hội hóa”.

Nhiều khi, có những khoản tiền thầy cô giáo trực tiếp thu không tiện, thì “thân ái” đẩy cho ban đại diện cha mẹ (hay Hội Phụ huynh) học sinh “thu giúp”. Đố có ban đại diện hay Hội Phụ huynh học sinh nào dám từ chối! Vả lại, thường thì nhà trường “gợi ý” bầu những phụ huynh có “máu mặt”-tức có tiền hoặc có quyền-vào ban đại diện.

Việc thu các khoản tiền trường, vì vậy, tuy chỉ là do từng trường tự đặt ra, nhưng mức độ chấp hành nhiều khi còn cao hơn cả việc chấp hành những chỉ thị của Nhà nước. Là phụ huynh, ai chẳng thương con mình, ai chẳng muốn cho con mình học trong nhà trường được “xuôi chèo mát mái”.

Vì thế, dù có phải đi vay mượn, cầm cố hay thế chấp, tất cả đều phải có đủ “cơ số tiền” như nhà trường quy định. Họ chỉ còn biết thở ngắn than dài khi về nhà hay giữa những phụ huynh nghèo với nhau chứ cũng không dám than cả với ban đại diện, vì sợ “ban” sẽ “mách” với trường. Lúc ấy mới cơ khổ!

Chuyện học hành của trẻ em là chuyện lớn, vì vậy không phụ huynh nào tiếc tiền hay tiếc công đóng góp cho nhà trường. Nhưng ngược lại, nhà trường cũng cần phải biết tình hình kinh tế gia đình của các phụ huynh như thế nào mỗi khi muốn đặt ra những khoản thu bên ngoài học phí.

Với những phụ huynh nghèo, mà nhà trường cứ “cưa đứt đục suốt” tiền trường theo kiểu lạm thu như thế, thì nhiều gia đình đành cho con nghỉ học. Dẫn tới tình trạng đó là một cái tội của ngành giáo dục, và tất nhiên sẽ bị xã hội lên án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem