Cục Bồi thường Nhà nước giám sát việc đòi bồi thường oan sai 38 tỷ đồng
Cục Bồi thường Nhà nước giám sát việc đòi bồi thường oan sai 38 tỷ đồng
Thứ ba, ngày 30/06/2020 06:33 AM (GMT+7)
Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) sẽ theo dõi, giám sát vụ việc 2 gia đình yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường oan sai 38 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết sẽ rà soát các quy định và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong việc giải quyết bồi thường cho 3 cụ ông ở Vĩnh Phúc bị oan sai gần 40 năm, trong đó hiện có 2 gia đình đang đòi bồi thường gần 38 tỷ đồng .
“Cơ quan nào gây oan sai thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người dân”- ông Bốn nhấn mạnh.
Đại diện Cục Bồi thường Nhà nước cho rằng quy định hiện hành đã rất rõ ràng về những thiệt hại nào được bồi thường, mức bồi thường ra sao và thời gian tính thiệt hại bồi thường. Ngoài Sở Tư pháp thì việc giải quyết bồi thường trong tố tụng hình sự còn có VKSND tỉnh tham gia giám sát.
Cụ thể, Thông tư số 09/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/1/2020) nêu rõ: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước. Trong đó, phối hợp với TAND cấp tỉnh, VKSND cấp tỉnh, cơ quan công an cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng và thi hành án hình sự.
Việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước được thực hiện đối với vụ việc đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nội dung hướng dẫn bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; phục hồi danh dự; việc chi trả tiền bồi thường.
Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước khi vụ việc đã được UBND cấp tỉnh hướng dẫn mà người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn.
“Trường hợp đã cung cấp đầy đủ chứng cứ thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ phải thụ lý xác minh. Sau khi xác minh thì họ sẽ làm báo cáo xác minh và mời người yêu cầu bồi thường tới để thương lượng - Đây là giai đoạn quan trọng nhất, bởi nó sẽ đi đến việc thống nhất số tiền bồi thường cuối cùng ở giai đoạn này”- một lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước cho hay.
Theo vị này, Cục Bồi thường Nhà nước sẽ có văn bản gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao để trao đổi, “đốc thúc” việc giải quyết bồi thường oan sai các vụ việc nổi cộm còn tồn đọng trong thời gian qua.
Như Dân trí đã phản ánh, tháng 10/2019 VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với ông Trần Ngọc Chinh , ông Trần Trung Thám (đã mất năm 1982) và ông Khổng Văn Đệ vì bị khởi tố, bắt tạm giam oan về tội “Giết người” vào tháng 1/1980.
Sau gần 9 tháng tổ chức xin lỗi công khai, ngày 25/6 vừa qua, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của các gia đình cụ ông bị truy tố oan tội “Giết người”. Trong đó 2/3 gia đình đã có đơn đòi bồi thường oan sai số tiền gần 38 tỷ đồng.
Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, áp dụng luật để tính toán, cơ quan này sẽ có buổi làm việc với các gia đình bị hàm oan để thỏa thuận, thống nhất mức tiền được bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngược lại, khi không thống nhất được mức giá đền bù, các gia đình sẽ có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.