Thời gian vừa qua, đã có nhiều ý kiến của học viên, chuyên gia đề xuất nên bỏ phần mềm mô phỏng sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào mới đưa vào sử dụng sẽ phải có quá trình điều chỉnh, sửa đổi mới hoàn thiện.
"Đơn cử như phần mềm giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe cũng phải qua nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa", bà Hiền nêu rõ.
Thông tin về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Cục đã tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh nâng cấp phần mềm thi mô phỏng".
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cho ra mắt phiên bản mới và chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/2/2024 tới đây. Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng là 52 tình huống cho phù hợp.
Cụ thể, điều chỉnh, đồ họa lại 22 tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn, nhất là học viên học qua điện thoại.
Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
Phần mềm sát hạch cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây; không cho nhấn đúp vào phần video, dẫn đến mất lệnh; kéo dài mốc thời gian chấm điểm từ khi xuất hiện tình huống nguy hiểm đến khi kết thúc (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác.
"Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe thì việc trang bị kiến thức, nhận biết các tình huống mất ATGT là cần thiết", ông Thống nhấn mạnh.
Theo ông Thống, đây là nội dung bắt buộc phải thực hiện vì đã được quy định tại Nghị định 138/2018 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT. Hơn nữa, trong quá trình xin ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về đào tạo lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam không nhận được ý kiến đề xuất bỏ phần mềm mô phỏng.
Nói về phần mềm thi mô phỏng, ông Thống lý giải, khi xây dựng Cục Đường bộ Việt Nam đã tham khảo các nước đã thực hiện là Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam.
Chóng mặt hay buồn nôn khi học trên cabin là rất tốt
Giải thích về những ý kiến trái chiều, ông Thống khẳng định: "Nhiều người đang nhầm lẫn rằng phần mềm mô phỏng là phục vụ kiểm tra phản xạ và xử lý tình huống của học viên".
"Cách hiểu này không đúng với mục đích của phần mềm mô phỏng. Việc sử dụng chỉ là giúp học viên nhận biết các tình huống nguy hiểm đang phát triển có thể dẫn đến tai nạn giao thông", ông Thống nêu rõ.
Cũng theo ông Thống, việc phản ứng với thiết bị này đến từ các thầy giáo dạy lái xe đã lâu năm vì họ khó khăn trong tiếp cận dạy nội dung này. Lý do mà các thầy giáo phản ứng vì cho rằng việc dạy trên cabin đang bị ngược.
Thực tế là xe chuyển động và gặp tình huống, trong khi đó cabin đứng yên tại chỗ và tình huống đến. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo không nhờ các thầy dạy trên cabin mô phỏng mà thay vào đó là người hiểu về công nghệ để dạy.
"Nhiều ý kiến cũng phản ánh bị chóng mặt, buồn nôn khi học trên cabin điện tử. Đi xe ô tô bị say vẫn gặp ở nhiều người. Chóng mặt hay buồn nôn khi học trên cabin cũng là điều tốt vì đó là cảm giác thật", ông Thống lý giải.
Ông Thống chia sẻ, cabin điện tử bổ trợ rất tốt cho phần mềm mô phỏng, trong đó có đầy đủ các tình huống mà người lái xe phải mất 10 - 20 năm đi trên đường mới gặp hết được. Những học viên mới học họ rất thích và hứng thú, nhiều người học xong 3 giờ vẫn muốn học tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.