Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD trả lời báo chí chiều ngày 23.5. Ảnh: Thanh Hà
Thưa ông vừa qua dư luận, nghệ sĩ rất bức xúc không hiểu lý do vì sao Cục NTBD lại cập nhật 300 ca khúc đã được phổ biến rộng rãi trong đó có nhiều bài nhạc cách mạng đã đi cùng năm tháng như "Tiến quân ca", "Như có Bác trong ngày đại thắng", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây".... Vậy ông có thể giải thích lý do, mục đích của việc cập nhật 300 ca khúc này?
Mục đích khi thực hiện chủ trương rà soát, cập nhật các ca khúc đưa lên danh mục website của Cục NTBD đối với các bài hát đã phổ biến rộng rãi, là để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ khai thác và sử dụng, trong quá trình hoạt động biểu diễn mà không cần phải xin cấp phép nữa.
Đồng thời để các cơ quan quản lý, các sở, ban, ngành khi cần thông tin có thể tra cứu theo một cách chính thức. Đây cũng là tiến trình thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Vậy thì giữa cấp phép phổ biến tác phẩm và cập nhật các ca khúc đã phổ biến rộng rãi được hiểu như thế nào?
Phổ biến rộng rãi được hiểu là các ca khúc đã được phổ biến rộng rãi tới công chúng và không cần phải xin phép. Còn cấp phép các bài hát chưa được phổ biến rộng rãi, thì các đơn vị, tổ chức cá nhân khi biểu diễn phải gửi hồ sơ và sau đó cơ quan nhà nước ra quyết định thẩm định rồi mới cấp phép cho các ca khúc đó.
Sau sự việc xảy ra, gây hoang mang cho công chúng cũng như bức xúc trong giới văn nghệ sĩ, ngoài việc Cục NTBD đã xin lỗi, Cục NTBD định có hành động quyết liệt nào hơn ví dụ như kỷ luật, xử lý những mắt xích yếu kém trong bộ máy của Cục, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ VHTTDL, chúng tôi sẽ rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, đặc biệt bổ sung thêm nguồn nhân lực để đảm bảo năng lực thực công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cán bộ. Vì vậy chúng tôi sẽ xây dựng đề án để lãnh đạo bộ phê duyệt.
Trước đây, khi có đơn đề nghị xin cấp phép các ca khúc từ các đơn vị tổ chức Cục NTBD mới tổ chức xét duyệt và cấp phép. Vậy tính tới thời điểm hiện tại quy trình này còn hoạt động?
Tính từ thời điểm Bộ VHTTDL ra công văn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Cục NTBD sẽ không thực hiện quy trình cấp phép phổ biến tác phẩm nữa, mà sẽ hướng dẫn các Sở VHTT thực hiện quy trình, thẩm định các chương trình trước khi biểu diễn.
Trước mắt là như vậy, sau đó Cục NTBD sẽ tiến hành đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật.
Thưa ông, ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?
Cụ thể theo quy định mới ban hành khi tổ chức chương trình đơn vị nào cấp phép thì đơn vị đó chịu trách nhiệm thẩm định chương trình. Ví dụ nếu đơn vị tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, do Sở VHTT TP Hồ Chí Minh cấp phép, thì Sở VHTT PT Hồ Chí Minh sẽ thẩm định. Việc thẩm định đã được phân cấp về các Sở VHTT, Cục NTBD chỉ thẩm định đối với 12 Nhà hát trực thuộc của Bộ VHTTDL.
Còn đối với những ca khúc đang lưu hành trong đời sống xã hội, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm tới lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Cụ thể Cục NTBD sẽ bỏ quy trình cấp phép các ca khúc đã phổ biến.
Vậy với 300 bài hát đã được phổ biến rộng rãi thì Cục có phương án xử lý ra sao?
Sáng nay 23.5, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tưởng, do nhận thức của cán bộ quản lý website dẫn đến sự hiểu lầm, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo gỡ bỏ 300 bài hát trên website của Cục NTBD.
Sau tất cả những sự việc xảy ra, theo ông, Cục NTBD có làm điều gì sai?
Trong lĩnh vực NTBD là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, diễn biến phức tạp, thay đổi từng ngày từng giờ. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước không cập nhật được dễ phát sinh phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.
Qua đây chúng tôi rút ra bài học trước hết chấn chỉnh lại tổ chức và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của cán bộ của Cục NTBD trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Đặc biệt tham mưu cho lãnh đạo Bộ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp để các quy định phù hợp với thực tế đời sống và đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Xin cám ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.