Hiện mít Thái đang được thu mua với giá dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: I.T
Theo đó, công văn số 338/TT-VPPN do Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng ký nêu rõ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được thực hiện nhiều trong thực tế sản xuất, giúp nông dân bước đầu thu được lợi nhuận.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người đân chuyển đổi tự phát, theo phong trào, nhất là cây mít và chủ yếu không theo kế hoạch chuyển đổi chung của địa phương, thiếu thông tin thị trường, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dẫn đến hệ lụy như năng suất chất lượng kém, giá thành sản xuất cao, cung vượt cầu.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh tích cực thông tin tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo người dân trong việc chuyển đổi cây trồng đúng kế hoạch, chuyển đổi theo tín hiệu thị trường, tránh làm tự phát, theo phong trào.
Rà soát lại diện tích đã chuyển đổi, thực hiện chuyển đổi theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT, Quyết định 586/QĐ-BNN-TT về “Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2020”.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ cây giống, hướng dẫn người dân trình tự thủ tục chuyển đổi, kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo hiệu quả cao.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện mít Thái đang được thu mua với giá dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg. Toàn tỉnh có khoảng 3.700 ha mít Thái siêu sớm và còn đang tăng mạnh bởi bà con đang tranh thủ thời cơ mít có giá đua nhau cải tạo đất đai, mở rộng diện tích theo mô hình chuyên canh hoặc xen canh trong vườn trồng các cây ăn quả khác.
Thương lái thu mua mít Thái siêu sớm tại vườn. Trong ảnh: Anh Tiến - một thương lái thu mua trái cây cho biết, giá mít Thái trồi sụt rất thất thường, đến thương lái cũng khó biết giá sẽ ra sao thời gian tới. Ảnh: T.L
Diện tích mít Thái của Tiền Giang hiện đạt 3.700ha; Hậu Giang: 2.000ha. Nếu tính cả khu vực ĐBSCL, diện tích trồng mít Thái ước tính đã lên đến hơn 55.000ha (sản lượng hơn 2 triệu tấn trái).
Còn nhớ, khoảng giữa năm 2018, giá mít Thái đã từng sụt giảm kỉ lục, khiến nhiều nhà vườn không tiêu thụ được. Cụ thể, khoảng tháng 4/2018 giá mít giữ ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg thì tới tháng 6, giảm hơn 5 lần, xuống còn 10.000 đồng/kg (loại trên 10kg) và 5.000 - 6.000 đồng (sản phẩm loại 2, 3). Có một điều đáng chú ý là hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của mít Thái là Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.