Cúm A tăng, thuốc điều trị cúm loạn giá, Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá thuốc

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/07/2022 12:26 PM (GMT+7)
Các ca cúm A gia tăng khiến nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc điều trị cúm. Hiện nhiều nơi đã có hiện tượng "loạn giá" thuốc điều trị cúm. Bộ Y tế đã yêu cầu xử lý nghiêm cac cơ sở tự ý tăng giá thuốc.
Bình luận 0

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị cúm A

Ngày 28/7, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; Các bệnh viện/ viện trực thuộc Bộ; Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.

Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỉ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước.

Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir) , Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác;

Cúm A tăng, thuốc điều trị cúm loạn giá, Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá thuốc  - Ảnh 1.

Thuốc Tamiflu được bán tại một nhà thuốc trên đường Vũ Phạm Hàm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân;

Xử phạt nặng các hành vi tự ý tăng giá thuốc điều trị cúm A

Chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bản thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi; các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2021 của Chính phů.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Đối với các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết;

Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giả thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, tại một cửa hàng thuốc trên đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người bán hàng cho biết, hiện nay, cúm A trái mùa bùng phát với số ca mắc tăng nhanh mỗi ngày, cửa hàng thường xuyên không có thuốc Tamiflu để bán.

Cúm A tăng, thuốc điều trị cúm loạn giá, Bộ Y tế yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá thuốc  - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhi bị cúm A tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh. Ảnh BVCC

"Cả cửa hàng có 2 hộp thuốc Tamiflu và giá bán hiện là 580.000 đồng/hộp. Khoảng 1 tháng nay, nhiều người đến hỏi mua Tamiflu để điều trị cúm. Hôm qua một giá, hôm nay một giá, giá tăng do giá nhập vào tăng", nữ nhân viên nhà thuốc giải thích.

Tại nhà thuốc trên đường Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, giá thuốc Tamiflu hiện tại có giá 750.000 đồng/hộp (10 viên). "Cửa hàng thuốc mới nhập Tamiflu hôm qua. Trước đây, giá mỗi hộp chỉ hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên giá bán ra đang ở mức 750.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, hiện cửa hàng đã hết thuốc", nhân viên chia sẻ.

Trong khi đó, giá thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg) được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá trên website có giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp 10 viên.

Chia sẻ tại hội trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 chiều 21/7, Thứ trưởng Hương cho biết, hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là Covid-19, cúm A, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Trong đó, số ca mắc cúm A có xu hướng gia tăng ở miền Bắc trong thời gian gần đây.

Theo Thứ trưởng Hương, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay cho thấy, không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây", Thứ trưởng Liên nhận định.

Về tình hình cúm A hiện nay, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, hiện nay, tại một số địa phương, 1 số bệnh viện tuyến cuối có ghi nhận gia tăng bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị.

Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.

Theo TS Tâm, sự gia tăng này chưa phản ánh điều gì bất thường vì dịch tễ nước ta vẫn ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mỗi năm. Tuy nhiên, ngành y tế cũng cần tăng cường giám sát trọng điểm để xác định nguyên nhân mắc bệnh và truyền thông để người dân dự phòng cúm.

Lý giải về nguyên nhân số ca mắc cúm A tăng trong thời gian gần đây, TS Tâm cho biết, virus cúm nói chung và cúm A nói riêng đều lây qua đường hô hấp, tiếp xúc gần. Trong khi 2 năm qua, người dân phòng Covid-19 nên đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc, thường xuyên rửa tay nên số việc lây nhiễm cúm cũng hạn chế.

Còn hiện nay đã bình thường trở lại, nên virus cúm lại lây lan và gia tăng số ca mắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem