Cụm công trình “Ngữ dụng học”: Đặt nền móng cho ngành nghiên cứu ngôn ngữ học

Hoàng Anh Thứ tư, ngày 11/01/2017 13:42 PM (GMT+7)
Nghiên cứu của cố Giáo sư Đỗ Hữu Châu về ngôn ngữ học đã được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2016.
Bình luận 0

Đặt nền móng cho nghiên cứu ngôn ngữ học

img

Cố GS, TS. Đỗ Hữu Châu.

Đó là cụm công trình “Ngữ dụng học”, được coi là đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp gắn với chức năng vốn có của ngôn ngữ là chức năng giao tiếp.

Trước những năm 1990, nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam bó hẹp trong hệ thống ở trong cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ, nhưng khi công trình nghiên cứu của cố GS. Đỗ Hữu Châu xuất hiện thì nghiên cứu ngôn ngữ chuyển sang hướng mới. 

Cụm công trình có tên chung là “Ngữ dụng học”, bao gồm 4 công trình đã công bố, bao gồm:  Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học tập hai – Ngữ dụng học, NXBGD, 2001; Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Ngữ dụng học (Dành cho Hệ đào tạo Tại chức và Từ xa), NXB ĐHSP, 2003; Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ dụng học, NXB ĐHSP,  2003 và Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Ngữ dụng học, NXB ĐHSP, 2007.

Theo đó, ngôn ngữ được nghiên cứu không phải trong hệ thống mà đặt trong mối quan hệ với con người, trong mối quan hệ của tâm lý học, trong mối quan hệ của xã hội học và văn học. Đây được coi là đóng góp lớn nhất của cố GS. Đỗ Hữu Châu ở cụm công trình “Ngữ dụng học”. 

Đặc biệt,  từ nghiên cứu này,   khái niệm “tín hiệu thẩm mỹ”, những đặc trưng của tín hiệu thẩm mỹ, lần đầu tiên xuất hiện, được đề cập có hệ thống, trở thành cơ sở lí luận vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo về ngôn ngữ văn học.

Cụm công trình cũng đã sử dụng ngữ liệu tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, tươi mới để làm rõ cho hệ lí thuyết, khiến những khái niệm mới lạ, phức tạp trở nên cụ thể, dễ hiểu.

Cụm công trình “Ngữ dụng học” đưa lí thuyết ngữ dụng học của thế giới vào Việt Nam một cách hệ thống, tạo cơ sở nền tảng cho nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ - văn học - văn hóa trên một bình diện mới, thông qua những ngữ liệu tiếng Việt sống động, thuyết phục.

Đưa ngôn ngữ đến gần đời sống

Cụm công trình “Ngữ dụng học” của cố GS. Đỗ Hữu Châu đã làm rõ một hệ các khái niệm mà thời điểm trước năm 1990 còn rất xa lạ với các nhà nghiên cứu Việt Nam. Với cách đó đã giải quyết được 2 việc là xây dựng cơ sở nền tảng lý thuyết ngữ dụng học và mở ra một hướng ứng dụng lý thuyết ngữ dụng học vào nghiên cứu tiếng Việt với tính chất luôn mở. 

Tại thời điểm đó, cố GS. Đỗ Hữu Châu đã ứng dụng lý thuyết ngữ dụng học vào nghiên cứu văn học. Cho tới nay, các nghiên cứu đi sau kế thừa kết quả nghiên cứu của cố GS. Đỗ Hữu Châu đã ứng dụng nghiên cứu ngôn ngữ và văn học được mở sang một hướng nghiên cứu mới, đó là nghiên cứu văn học, nghiên cứu tác phẩm theo hướng cấu trúc, theo hướng văn hóa, theo hướng ký hiệu học.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa nhận định, công trình nghiên cứu “Ngữ dụng học” của cố GS. Đặng Hữu Châu có thể coi là sự nghiệp của cả một đời người. Công trình đã có đóng góp to lớn vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam.

Với những đóng góp của cụm công trình, Hội đồng cấp Nhà nước về KH&CN đợt 5 vừa đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem