Cuối tháng 10, đầu tháng 11.2010, miền Trung ngập chìm trong những cơn mưa và lũ lớn. Các thư ký tòa soạn Báo NTNN liên tục điện thoại cho Văn phòng miền Trung (VPMT): “Anh phải lưu ý đặc biệt các hồ thuỷ điện xả lũ. Mưa như thế này mà mấy ông “thủy điện” xả lũ thì dân chỉ có nước chết. Phóng viên VPMT phải có mặt ở các hồ thủy điện lớn và phải có tiếng nói can thiệp cho dân”.
VPMT lúc đó hết sức lo lắng, “quân” thì chỉ vài ba người mà 8 tỉnh thuộc VPMT, tỉnh nào cũng mưa to, lũ lớn, cũng chi chít những thủy điện. Nhưng khi triển khai vấn đề, anh em hưởng ứng, chuyện liên quan đến đời sống, sinh mệnh người dân, nhất là nông dân, anh em không từ nan, kể cả những người chỉ là CTV...
Lúc đó, “nóng nhất” là những thông tin lũ lụt từ Phú Yên. Nữ CTV 35 tuổi Yên Hà có 2 con nhỏ ở nhà, ngày nào cũng mang tơi đội nón dầm lũ chụp ảnh, viết liên tục. Tại tỉnh này, mưa to liên tiếp 3 ngày (30.10 - 2.11) đã gây ngập lụt trên diện rộng.
Sau loạt bài trên NTNN, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này. Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ cũng thừa nhận thiếu sót và ngay lập tức khắc phục việc xả lũ. Bộ Công Thương ngay sau đó đã có văn bản đề nghị kiểm điểm việc xả lũ tại công trình thuỷ điện sông Ba Hạ.
Sáng 2.11, người dân vùng hạ lưu táo tác chạy lũ khi biết tin 2 công trình thuỷ điện trên thượng nguồn sông Ba là Sông Hinh và sông Ba Hạ đồng loạt xả lũ. Sáng đó, thuỷ điện Sông Hinh xả lũ 1.900m3/s và tăng dần lên đến 2.000-2.500m3/s vào chiều cùng ngày.
Thuỷ điện sông Ba Hạ xả 5.700m3/s. Ngay thời điểm mưa lũ căng thẳng nhất, Yên Hà đã vượt hiểm nguy để có mặt tại tràn xả lũ công trình thuỷ điện sông Ba Hạ. Cô tái tê khi nhận được câu trả lời từ ông Nguyễn Đức Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ - rằng, cứ nước lên thì công ty phải xả cho đến khi nào đạt mức độ an toàn theo quy trình vận hành liên hồ chứa sông Ba.
Ông này tuyên bố, công ty sẽ xả đến 7.000m3/s vào tối 2.11. Yên Hà giật mình: Nếu vậy thì vùng hạ du sông Ba, nhất là vùng ven sông thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà và TP.Tuy Hoà sẽ chìm sâu trong biển nước(?!).
Cũng may lúc đó, ông Nguyễn Bá Lộc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, biết thông tin và phản đối quyết liệt. Những lời gay gắt của ông Lộc cùng tình huống “dầu sôi lửa bỏng” lúc đó ở Phú Yên đã được NTNN đăng tải đầy đủ.
NTNN cũng “đi” liên tiếp một loạt bài khác về lũ Phú Yên lúc đó, như phóng sự “Vào vùng ốc đảo Đông Phước”, “Hồ thuỷ điện xả lũ, ngập chồng ngập”, “Bồng bế nhau chạy lũ”, “Ám ảnh thuỷ điện xả lũ”, “Thuỷ điện xả lũ, Phú Yên lại ngập nặng”... Những bài báo đó được người dân Phú Yên đón nhận hồ hởi và có sức tác động mạnh mẽ đến các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cũng như T.Ư.
Tại Quảng Nam, “cái rốn” của thủy điện miền Trung, những loạt bài của NTNN về lũ và những cảnh báo liên tiếp về nguy cơ gây họa từ các hồ chứa, thủy điện đã tác động tích cực đến các cơ quan liên quan. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, người đã hỗ trợ tích cực thông tin cho các CTV của NTNN, đã thừa nhận: “NTNN đã làm vơi đi nỗi lo cháy ruột, cháy gan của người dân vùng hạ du mùa lũ”.
Những lời nhận xét đó đã động viên rất nhiều cho PV, CTV NTNN trong những ngày dầm mưa, lội lũ vô cùng hiểm nguy vất vả. “Được đứng bên cạnh nông dân trong lúc nguy nan là niềm vui của bọn em”- đó là tâm sự của các PV, CTV NTNN miền Trung.
Vũ Vân Anh - Lê Biết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.