Cúng đầy tháng mang đến nhiều ý nghĩa tốt lành cho con

P.V Thứ tư, ngày 05/12/2018 11:06 AM (GMT+7)
Trong văn hóa của người Việt Nam, cúng đầy tháng là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong cuộc đời của các bé. Lễ đầy tháng không chỉ là dấu mốc cho cả mẹ và bé mà còn là cách gửi gắm rất nhiều mong ước và lời chúc của mọi người dành cho con yêu.
Bình luận 0

Ý nghĩa của lễ cúng đầy tháng cho bé trai , bé gái

Theo quan niệm dân gian, lễ cúng đầy tháng cho bé trai hay bé gái là buổi lễ mà bố mẹ, ông bà báo cáo với tổ tiên cũng như trời đất về tên, tuổi của con, đánh dấu dấu mốc quan trọng đầu tiên trong đời của một đứa trẻ.

img

Theo quan niệm, đây cũng là buổi lễ mang ý nghĩa tạ ơn 12 bà mụ, 1 bà chúa và 3 Đức Ông đã nặn ra hình hài của bé và chăm sóc, nuôi dưỡng cho bé thành người, khỏe mạnh chào đời, bước qua ngưỡng 1 tháng.

Ngoài ra, buổi lễ còn được tổ chức như một lời cầu chúc những điều tốt đẹp nhất mà cả nhà dành cho bé, cầu mong con luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lớn lên vui vẻ, hạnh phúc.

Đồng thời, buổi lễ là dấu mốc kết thúc thời gian ở cữ của cả mẹ và bé, bắt đầu một nề nếp sinh hoạt ổn định hơn. Lễ cúng đầy tháng cho bé trai, bé gái được tổ chức theo phong tục của từng vùng miền và có sự khác biệt ở từng gia đình.

Cách tính ngày cúng đầy tháng

Theo quan niệm dân gian từ xưa đến nay, cúng đầy tháng được làm theo ngày âm lịch và có cách tình cho trai khác, gái khác theo quy luật “gái lùi 2, trai lùi 1”. Vậy nên, ngày lễ đầy tháng của các bé gái sẽ được làm sau ngày bé đầy tháng 2 ngày, còn đối với bé trai thì làm lễ lùi 1 ngày.

img

Cách tính này không đơn thuần chỉ là tính ngày mà theo quan niệm của ông bà từ xưa, ngày cúng đầy tháng theo giới tính chứa đựng lời cầu chúc con trai luôn vững vàng và là người dẫn lối, con gái biết nhường nhịn, nhu mì. Bởi vậy, cho đến nay, việc tính ngày làm lễ đầy tháng này vẫn được áp dụng trong mọi gia đình và không hề phân biệt vùng miền.

Chuẩn bị lễ cúng đầy tháng đầy đủ cần những gì

Lễ đầy tháng vô cùng ý nghĩa nên hầu như mọi ông bố bà mẹ đều mong muốn chuẩn bị nó một cách chu đáo nhất. Theo tập tục từng vùng miền và điều kiện của từng gia đình, lễ đầy tháng sẽ có hàng trăm ngàn phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là mâm cúng đầy tháng đều được làm một cách đầy đủ để cúng các Bà Mụ và Đức Ông.

img

Trong quan niệm dân gian, trẻ được 12 bà mụ tạo ra hình hài và Đức Ông chăm nom, phù hộ. Vậy nên mâm cúng sẽ được chia làm 2, một mâm cúng 12 bà mụ và một mâm cúng Đức Ông.

Mâm cúng bà Mụ sẽ chuẩn bị gồm 12 đĩa xôi, 12 chén cháo, 12 chén chè, 12 chén nước (rượu), 12 quả trứng luộc, 1 con gà (vịt), 12 miếng trầu cau, hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng... Mâm cúng Đức Ông tương tự nhưng được làm chung mỗi loại 1 đĩa to và có thêm một con gà.

Ngoài các lễ vật chính này, mâm lễ cúng đầy tháng còn được chuẩn bị thêm bình hoa tươi, rượu, trà, đũa… và tiền vàng tượng trưng theo tập tục văn hóa của từng vùng.

Cách bài trí mâm lễ cúng đầy tháng

Sau khi chuẩn bị xong đồ cần bày đồ lễ để thắp hương và thỉnh các vị thần linh về nhận lộc. Mâm lễ được bài trí khá đơn giản, tùy theo cách chuẩn bị của từng gia đình, tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, bài trí cần tuân thủ “Đông bình Tây quả”.

img

Ngoài ra, cũng cần tách hai bàn lễ cúng. Bàn to đặt đồ lễ cúng bà Chúa cùng 12 bà mụ một cách trật tự và đảm bảo đủ số lượng. Bên trên là chiếc bàn nhỏ hơn bày đồ lễ cúng các Đức Ông.

Sau đó, bố hoặc ông sẽ thay mặt gia đình làm lễ cúng đầy tháng cho bé trước là cảm tạ các vị thần linh đồng thời báo cáo với gia tiên về việc đặt tên cho bé, sau là màn chào hỏi và thông báo cho gia đình, họ hàng về sự hiện diện của bé, cầu mong nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất và sự bao bọc che chở của mọi người.

Bởi vậy cúng đầy tháng, cúng thôi nôi cho bé đã trở thành một truyền thống đẹp được lưu truyền và gìn giữ cho đến ngày nay mang trong đó sự cầu mong những điều tốt đẹp nhất dành cho cuộc đời của bé.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem