Đã 4 ngày sống cùng biển Hoàng Sa máu thịt lắm trầm luân của Tổ quốc, biên đội tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam liên tục phải đối phó với tàu Trung Quốc nhưng không người nào than phiền dù bất cứ điều gì mà ai ai cũng thêm phần rắn rỏi và can trường.
Các tàu Trung Quốc thì hung hăng hơn, chủ động tiến tới các tàu cá Việt Nam đang neo để tấn công, uy hiếp…
Neo đậu cũng bị tấn côngMấy ngày liên tiếp, phía Trung Quốc dùng hàng chục tàu cá vỏ sắt loại lớn đâm, va… vào tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam khiến hàng loạt tàu cá ngư dân Việt Nam bị vỡ giàn đèn, hỏng mạn sườn, nát ca bin… nhưng không thể khuất phục được ý chí kiên cường của ngư dân Việt Nam.
Lúc này, nhóm phóng viên NTNN đã ghi nhận được rất nhiều thông tin, hình ảnh về những hành động ngang ngược hay có thể nói là... như cướp biển của các loại tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam nhưng không có cách nào chuyển về bờ, bởi ở giữa “tọa độ đen” này, ngoài bức tường sắt của tàu Trung Quốc cùng những cơn gào thét của sóng Hoàng Sa thì không có hệ thống thông tin liên lạc nào hết. Tất cả thông tin ở bờ đều nghe qua sóng radio của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tàu sắt số hiệu 17007 của Trung Quốc thường xuyên đâm va, uy hiếp tàu cá Việt Nam.
Thấy tình hình căng như dây đàn, các tài công của biên đội quyết định neo dù cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc 12 hải lý nhằm tính toán lại phương án tiếp cận giàn khoan sao cho đảm bảo an toàn. Quyết định đưa ra là vậy nhưng một số ngư dân đi trên tàu không phục. Ngư dân Nguyễn Anh (22 tuổi, thuyền viên tàu Qna 91297) tím mặt nói: “Biển này là của chúng ta, họ đưa giàn khoan sang đây hạ đặt trái phép, rồi còn gây tổn hại cho ngư dân ta nữa. Thế giới bây giờ sao vẫn có cái kiểu hành xử như vậy được...”.
Bình tĩnh đáp lại sự bức xúc ngư dân Anh, tài công Trần Phi quyết đoán: “Không được làm gì manh động. Chúng ta là người Việt Nam, lấy hữu hảo, hòa bình, chính nghĩa làm trọng. Chuyện đánh nhau để bảo vệ Tổ quốc thì hàng ngàn năm nay chúng ta không ngại. Nhưng trong tình hình này chúng ta phải bình tĩnh đấu tranh, tránh va chạm và thương tích là tốt nhất. Nếu chúng ta nóng cái đầu húc vào tàu Trung Quốc thì không khác gì sập bẫy của họ. Mọi người cứ nghỉ ngơi cái đã…”.
Nhưng phút nghỉ ngơi “ngắn chẳng tày gang” khi hàng loạt tàu sắt của Trung Quốc lù lù tiến về vị trí biên đội tàu cá Việt Nam neo đậu. Bộ đàm trên tàu lại vang lên: “Sao lạ thế, chúng kéo tới đây làm gì...”; “Không sao đâu, chúng ta đang neo đậu chứ có làm gì nó đâu…”.
Nóng như nồi hơiNhững suy nghĩ rất đúng này đã... sai hoàn toàn khi gần 40 tàu các loại của Trung Quốc lao như tên vào đội hình biên đội tàu cá. Húc nát ca bin tàu Qna 91297 chưa đủ hay sao, tôi nghĩ thầm khi thấy con tàu sắt của Trung Quốc số hiệu 17007 to lừng lững, phía trước mũi gắn những móc sắt như răng cá mập phi thẳng vào tàu Qna 91297 thêm một lần nữa.
Tài công Trần Phi vội vàng hô: “Nhanh, mau kéo dù lên anh em ơi...”. Nhiều ngư dân đang ăn bát mì tôm, người thì tắm dở... cũng vọt chạy ra trước mũi luống cuống kéo dù. Quá bất ngờ trước hành động phi lý của tàu Trung Quốc, con tàu Qna 91297 không kịp cơ động đành đứng im một chỗ như trời trồng.
Ngư dân Nguyễn Anh (22 tuổi, thuyền viên tàu Qna 91297) tím mặt nói: “Biển này là của chúng ta, họ đưa giàn khoan sang đặt trái phép ở đây, rồi còn gây tổn hại cho ngư dân ta nữa. Thế giới bây giờ sao lại có cái kiểu hành xử như vậy được…”.
|
Lúc này tất cả thuyền viên đi trên tàu đứng hẳn vào trong khoang thuyền. Không dừng, tàu 17007 phía mạn phải cùng 2 tàu sắt Trung Quốc số hiệu 7205, 73631 áp sát bên mạn trái.
Những tiếng bộp bộp liên thanh vang hai bên thân tàu. May nhờ tàu Qna 91297 được đóng từ loại gỗ kền kền rất chắc chắn nên mọi người trên tàu tránh được một “cơn mưa” nào là điếu thuốc đang cháy đỏ, ốc vít, bu long… từ tàu Trung Quốc bắn sang.
Không khí trong tàu như chiếc nồi hơi căng phồng. Bỗng ngư dân trẻ Lê Tú Ba (18 tuổi) bật dậy định lao ra cửa khoang tàu tính phản ứng những người Trung Quốc hung hãn. Nhanh như chớp, chủ tàu Bùi Ngọc Dũng lấy tay kẹp ngang cổ ngư dân Ba kéo giật lại đè xuống sàn, miệng quát: “Ngồi yên, ra đó nộp mạng vô ích hả?”.
Sau câu nói đó, “cái nồi hơi” sắp nổ đã hạ nhiệt, ở bên ngoài tàu Trung Quốc cũng dừng ném đồ vật. Tài công Trần Phi nổ máy cho tàu chạy ra xa khỏi giàn khoan Hải Dương 981 đến 16 lý.
Khi tất cả tàu của biên đội về vị trí tập kết, một bữa cơm với canh bí nấu với thịt heo (để đông lạnh gần 1 tuần) cùng với số ít cá thu nhặt dọn ra cho mọi người ăn lấy sức. Sau bữa ăn, tài công Trần Phi cầm bộ đàm gọi vào tần số 87… radio Đà Nẵng nối máy về cho vợ ở nhà. Trên máy anh hỏi nhanh: “Đám giỗ cha em lo đến đâu rồi? Nhớ qua nhà anh Dũng thắp hương cho chị với trông nom 2 đứa cháu. Biển có động nhưng không sao. Mọi người vẫn khỏe cả…”. Chị vợ dạ liên hồi rồi định hỏi câu gì đó nhưng anh Phi tắt vội bộ đàm.
Lênh đênh nhiều ngày trên biển mà không báo được một chút tin tức gì về cho đất liền, chúng tôi thấy nóng ruột. Hỏi anh Phi cách liên lạc vào đất liền, anh Phi hướng dẫn thật rõ. Tôi cầm bộ đàm lên định gọi về tòa soạn tường thuật những thông tin ngang ngược của Trung Quốc để kịp thời thông tin cho bạn đọc được biết, rồi nối máy báo tin cho gia đình... Biết ý định đó, anh Phi nói ngay, hiện trên biển lúc này Trung Quốc dò được hầu hết các tần số bộ đàm của ngư dân ta. Anh xem gọi về có dễ gây nguy hiểm hay không?... Nghe anh Phi nói vậy, chúng tôi cũng thấy lo lắng cho tình hình chung trên biển nên đành gác máy, dù biết ở nhà, ở tòa soạn đang rất mong tin của nhóm phóng viên.
Đình Thiên - Gia Tưởng (Đình Thiên - Gia Tưởng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.