Hai người đàn ông da trắng bình thản nói chuyện trong khi "Phố Wall Đen" cháy đen trời phía sau. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
"Phố Wall Đen", đó là biệt danh được đặt cho Greenwood, khu phố rộng chừng 1 dặm vuông với những gia đình người da đen giàu có ở Tulsa, bang Oklahoma (Mỹ). Kể từ khi ngành công nghiệp dầu mỏ bùng nổ vào đầu thế kỷ 20, các bác sĩ, luật sư và chủ doanh nghiệp gốc Phi đã xây dựng một cộng đồng thịnh vượng ở ngoại ô Tulsa, cho đến khi toàn bộ nhà cửa của họ bị thiêu rụi trong cuộc bạo loạn chủng tộc năm 1921, còn được gọi là "Vụ thảm sát Tulsa".
Cuộc bạo loạn bắt đầu sau khi một thanh niên da đen 19 tuổi tên Dick Rowland bị cáo buộc tấn công tình dục một thiếu nữ da trắng 17 tuổi trong thang máy. Rowland khăng khăng rằng anh ta chỉ vấp ngã và vô tình xô vào cô gái.
Người phụ nữ tên Sarah Page đã không đưa ra lời buộc tội, nhưng cộng đồng da trắng lại sôi sục. Một đám đông tụ tập đòi “xử” Rowland, nhưng những người đàn ông da đen ở Greenwood không để chuyện đó xảy ra. Trang bị súng săn và súng trường, 30 cư dân đã dựng một chướng ngại vật bên ngoài đồn cảnh sát nơi Rowland đang bị giam giữ. Những tiếng súng vang lên và cuộc bạo loạn Tulsa bắt đầu.
Nhà cửa bị đốt cháy ở Greenwood trong cuộc bạo loạn. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Ngọn lửa phân biệt chủng tộc
Khu phố Greenwood được xây dựng từ năm 1906, trên vùng Lãnh thổ Anh-điêng cũ. Một số người Mỹ gốc Phi từng là nô lệ của các bộ tộc cuối cùng đã có thể hòa nhập với cộng đồng địa phương và thậm chí mua lại đất đai của họ.
Chủ đất người da đen giàu có O.W. Gurley là người đã mua 40 mẫu đất ở Tulsa và đặt tên là Greenwood. Nhưng ông ta không giữ tất cả đất đai và tiền bạc cho riêng mình. Gurley bắt đầu cho những người da đen khác vay tiền để kinh doanh tại Greenwood. Chẳng bao lâu, "Phố Wall Đen" bắt đầu phát triển mạnh nhờ những người bán hàng da đen và khách hàng trung thành của họ.
Không mất nhiều thời gian để những người da trắng phân biệt chủng tộc nhận ra sự thịnh vượng của cộng đồng da đen ở Greenwood, và họ không vui gì về điều đó. Ngược lại, sự phẫn nộ sôi sục âm ỉ khiến cuộc bạo loạn Tulsa trở nên hủy diệt hơn.
Nhóm đàn ông da trắng đứng nhìn lửa khói bốc lên ngút trời ở Greenwood, Tulsa. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Cuối cùng những người da trắng ở Tulsa đã giải phóng cơn giận dữ của họ lên “Phố Wall Đen”. Vào ngày 1/6/1921, hàng ngàn người nổi loạn kéo qua Greenwood, bắn chết người da đen giữa đường phố, phá hủy tài sản và đốt cháy nhà cửa.
Họ phá hủy các doanh nghiệp và cướp phá các tòa nhà, khiến thị trấn chỉ còn là một đống đổ nát. Chỉ trong một ngày, những kẻ bạo loạn đã thiêu rụi gần như toàn bộ “Phố Wall Đen”.
Luật sư da đen Buck Colbert Franklin sau khi chứng kiến sự kiện này đã viết: "Tôi có thể thấy những chiếc máy bay xoay vòng vòng giữa không trung. Chúng kéo tới và ầm ầm bắn xuống. Tôi có thể nghe thấy tiếng gì đó như mưa đá rơi trên đỉnh tòa nhà văn phòng của mình. Nhìn xuống khu East Archer, tôi thấy khách sạn Mid-Way cũ bốc cháy, cháy từ nóc, rồi một tòa nhà khác và một tòa nhà khác nữa bắt đầu cháy từ trên nóc… Những chiếc máy bay lúc này, hàng chục hoặc nhiều hơn vẫn ầm ầm bay tới đó".
Vệ binh Quốc gia được điều tới dẹp loạn ở Tulsa. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Thống đốc bang Oklahoma đã nhanh chóng tuyên bố thiết quân luật, đưa Lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Tulsa để chấm dứt bạo lực.
Nhưng một số người nói rằng chính cảnh sát và Vệ binh Quốc gia cũng tham gia vào các trận đánh, họ thả những cây gậy chứa thuốc nổ từ máy bay và nã đạn vào người da đen.
"Phố Wall Đen" Greenwood đổ nát sau cuộc bạo loạn. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ
Thảm cảnh ở "Phố Wall Đen"
Chỉ trong 24 giờ, tất cả kết thúc. Đến sáng, Greenwood chẳng còn gì ngoài đống tro tàn trên mặt đất.
Báo cáo ban đầu cho biết 35 người đã thiệt mạng trong cuộc bạo loạn. Nhưng gần đây hơn, vào năm 2001, một cuộc điều tra của Ủy ban Chống bạo loạn chủng tộc Tulsa cho rằng số người chết thực sự là gần 300, chưa kể hàng ngàn người khác bị thương.
Hơn 6.000 đàn ông da đen đã bị Vệ binh Quốc gia bắt giam, và chỉ được thả nếu được chủ lao động da trắng hoặc công dân da trắng bảo lãnh. Hơn 35 tòa nhà trên đường phố bị đốt cháy, thiệt hại tài sản hơn 1,5 triệu USD, tương đương khoảng 30 triệu USD ngày nay.
Gần như tất cả cư dân Greenwood sống sót, khoảng 10.000 người, bỗng trở thành vô gia cư. Chỉ sau một đêm, những gia đình da đen giàu có nhất ở Mỹ, sống trong những ngôi nhà to đẹp ở một vùng ngoại ô thịnh vượng, được giáo dục tốt, phải chui rúc trong những chiếc lều của Hội Chữ thập đỏ.
Người da đen bị súng chĩa sau gáy, giải đi trên phố ở Greenwood. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Sau cuộc bạo loạn, cộng đồng da đen đã cố gắng tái thiết Greenwood. Tuy nhiên, hàng ngàn người trong số họ vẫn phải trải qua mùa Đông năm 1921 và 1922 trong những căn lều mỏng manh.
Mặc dù Greenwood cuối cùng đã được tái thiết, nơi đây không bao giờ trở lại như trước. Và nhiều người sống ở đó không bao giờ thực sự hồi phục sau chấn thương và hoảng loạn.
Trong khi đó, vụ kiện chống lại Dick Rowland bị bác bỏ vào tháng 9/1921. Sarah Page (cô gái da trắng trong thang máy) đã không ra làm chứng chống lại Rowland tại tòa án - có lẽ đó là lý do chính khiến vụ án kết thúc.
Tài sản của một gia đình bị quăng ra phố. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Theo mô tả của báo The New York Times vào năm 1921, vài ngày sau vụ bạo loạn Tulsa, một thẩm phán thành phố đã ra lệnh bồi thường đầy đủ và tái định cư toàn bộ người da đen ở khu vực bị phá hủy. "Phần còn lại của nước Mỹ phải biết rằng những công dân thực sự của Tulsa đã khóc vì tội ác không thể kể xiết này, chúng ta sẽ phải bồi thường thiệt hại, đến tận đồng xu cuối cùng", vị thẩm phán nói.
Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng sau đó đổ lỗi cho người Tulsa da màu về nguồn cơn vụ việc.
Sau vụ thảm sát Tulsa, số thành viên KKK (tổ chức phân biệt chủng tộc) ở Oklahoma tăng vọt. Ảnh: Bảo tàng & Hội lịch sử Tulsa
Những người đàn ông da trắng ở Tulsa đã đốt nhà và giết người giữa đường mà không một ai bị truy tố. Và mặc dù là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử bang Oklahoma, vụ thảm sát Tulsa gần như bị xóa khỏi ký ức quốc gia.
Mãi đến năm 1971, biên tập viên tạp chí Impact, Don Ross đã cho xuất bản một trong những tài liệu đầu tiên về cuộc bạo loạn, 50 năm sau khi nó xảy ra. Theo đài NPR, Don Ross được ghi nhận là một trong những người đầu tiên thu hút sự chú ý của nước Mỹ đối với phần lịch sử bị lãng quên này.
Vào đầu thế kỷ 21, 80 năm sau sự kiện, Ủy ban Chống bạo động chủng tộc Tulsa mới đưa ra một báo cáo và yêu cầu bồi thường cho những người sống sót. Tuy nhiên, cả tòa án quận và Tòa án Tối cao Mỹ đều bác yêu cầu đó, nói rằng vụ việc đã hết thời hiệu.
Một thi thể người da đen bị bắn chết trên đường phố Greenwood.
Mặc dù những người sống sót không được bồi thường, các tổ chức như Hội lịch sử Tulsa đang hướng tới một mục tiêu mới: nâng cao nhận thức về sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc bạo loạn chủng tộc Tulsa.
Thật ngạc nhiên là cuộc bạo loạn này không nằm trong chương trình giảng dạy của các trường công lập tại Oklahoma cho đến tận năm 2000, và một thông tin tổng quan về sự kiện chỉ mới được thêm vào sách lịch sử nói chung của Mỹ.
Một số người sống sót sau vụ thảm sát Tulsa, như cụ bà Olivia Hooker vẫn tiếp tục đòi công lý bất chấp nhiều thất vọng. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể sống đủ lâu để chứng kiến điều gì đó xảy ra, nhưng dù tôi đã sống 99 năm, điều đó vẫn không xảy ra", bà Hooker, lên 6 tuổi vào thời điểm cuộc bạo loạn, nói với tờ Al-Jazeera. "Bạn phải tiếp tục hy vọng, tiếp tục hy vọng, để cất lên tiếng nói". Nhưng bà Olivia Hooker đã qua đời vào tháng 11/2018 ở tuổi 103 mà chưa đòi được công lý cho các nạn nhân ở Tulsa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.