Giả Tự Đạo: Nói dối hoàng đế, bắt sứ giả Mông Cổ, khiến Nam Tống diệt vong
Giả Tự Đạo: Nói dối hoàng đế, bắt sứ giả Mông Cổ, khiến Nam Tống diệt vong
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 22:45 PM (GMT+7)
Mông Cổ lần nữa tấn công Nam Tống vào năm 1268. Nam Tống từng có 9 năm để chỉnh đốn quân đội, nhưng cơ hội lớn này lại nằm trong tay Giả Tự Đạo, hơn nữa quân Mông Cổ đã vây khốn Tương Dương 5 năm, nhưng Giả Tự Đạo “nhìn như không thấy”.
Có 3 sự kiện thúc đẩy Mông Cổ tấn công Nam Tống, trong đó có 2 việc liên quan đến Giả Tự Đạo. Đây rốt cuộc là chuyện gì?
Giả Tự Đạo khi quân (dối hoàng đế), bắt giam sứ giả của Hốt Tất Liệt
Vào năm 1259, Giả Tự Đạo phụng mệnh cứu viện Ngạc Châu, sau đó ông và Hốt Tất Liệt đã ký một hoà ước ở dưới thành Ngạc Châu, nội dung chủ yếu là: Mỗi năm sẽ đáp ứng cho Mông Cổ 20 vạn lượng bạc, 20 vạn tấm lụa, sau đó lấy sông Trường Giang làm giao giới.
Thời ấy Hốt Tất Liệt vì để tranh vị với A Lý Bất Ca, cho nên vội vã trở về phương bắc. Hiệp nghị thời đó không phải là hiệp nghị ký kết chính thức, mà chỉ là hiệp nghị nói miệng. Cho nên sau khi Hốt Tất Liệt trở lại vùng Khai Bình đã phái Hác Kinh làm sứ giả đến Nam Tống thương lượng cụ thể về hiệp nghị này.
Giả Tự Đạo khi đó đã có quyền lực khuynh đảo thiên hạ, cho nên khi sứ giả đến diện kiến Giả Tự Đạo, Giả Tự Đạo còn không coi ra gì. Bởi vì vốn dĩ Giả Tự Đạo đã lừa Tống Lý Tông, nói rằng chính mình đã đánh bại quân Mông Cổ, nhưng hiện nay đột nhiên xuất sứ giả bên đó đòi tiền hàng năm, muốn cắt nhượng đất v.v. Giả Tự Đạo không biết làm sao? Thế là Giả Tự Đạo bắt Hác Kinh lại.
Trải qua một năm, Hốt Tất Liệt vẫn không thấy Hác Kinh trở về, ông cảm thấy rất kỳ lạ, không biết sứ thần có chuyện gì. Hốt Tất Liệt lại phái một sứ thần đến Nam Tống, sau đó đến đâu cũng hỏi Hác Kinh đã đi đâu, còn uỷ thác một quan viên của Nam Tống đi nghe ngóng.
Toàn bộ sự việc đã bị Giả Tự Đạo nghĩ cách che giấu, nhưng "giấy không gói được lửa", sau này Hốt Tất Liệt cuối cùng cũng biết Hác Kinh bị Giả Tự Đạo bắt giam, ông vô cùng tức giận, liền hạ chiếu tấn công Nam Tống.
Còn có 2 sự việc nữa, một sự việc gọi là "Lý Đàn chi biến", một sự việc nữa gọi là "Lưu Chỉnh chi phản".
"Lý Đàn chi biến"
"Lý Đàn chi biến" là gì? Đó là nước Kim có một người tên là Lý Toàn, ông là cha của Lý Đàn. Khi Lý Toàn ở nước Kim bị Mông Cổ đánh cho "một đường bại tẩu", ông đã khởi binh. Lý Toàn nói: "Nước Kim dù sao cũng không được nữa rồi, hiện nay tôi muốn rời Kim để đầu quân cho Nam Tống".
Ban đầu Nam Tống đối đãi với Lý Toàn rất tốt, nhưng Lý Toàn lại kỳ vọng rất cao vào Nam Tống kiểu như: "Tuy rằng Nam Tống đối đãi với tôi rất tốt, nhưng vốn dĩ tôi kỳ vọng họ đối xử với tôi tốt hơn nữa". Do đó Lý Toàn tương đương với việc lúc đầu phản bội nước Kim, sau đó lại phản bội nước Tống, rồi đầu hàng Mông Cổ.
Mông Cổ dùng sách lược vỗ về đối với Lý Toàn, để ông ta chiếm cứ vùng Sơn Đông, sau đó phòng thủ vùng Hoài thuỷ. Sau khi Lý Toàn mất, người con trai Lý Đàn đã kế nhiệm địa bàn của phụ thân, sau đó Lý Đàn lại liên hệ với Nam Tống, nói rằng: "Năm đó cha tôi có lỗi với Nam Tống, hiện nay tôi muốn tạo phản Mông Cổ sau đó đầu hàng Nam Tống".
Khi đó Hoàng đế Tống Lý Tông rất cao hứng, cảm thấy như bánh từ trời rơi xuống, ông khích lệ và khen thưởng thêm cho Lý Đàn, sau này Lý Đàn thật sự đã tạo phản Mông Cổ.
Đương nhiên Mông Cổ không thể dung thứ sự việc này xảy ra, cho nên kỵ binh Mông Cổ lập tức đi đánh Lý Đàn. Lý Đàn trụ không nổi, liền cầu cứu Nam Tống. Kết quả quân đội Nam Tống không dám tiến nhập vào Sơn Đông. Vào tháng 8 năm 1262, Lý Đàn đã thất bại sau đó tử trận.
Do đó Hốt Tất Liệt cho rằng Lý Đàn làm phản là do Nam Tống kích động, cho nên ông đã đem món nợ đó tính lên Nam Tống.
"Lưu Chỉnh chi phản"
Sự kiện thứ ba thúc đẩy Mông Cổ tấn công Nam Tống chính là một người tên Lưu Chỉnh của Nam Tống đầu hàng Mông Cổ. Lưu Chỉnh là tướng quân tác chiến vô cùng dũng cảm, hơn nữa lại có nhãn quang chiến lược.
Lưu Chỉnh từng chỉ đem 12 người để đánh hạ một thành trì tên là Tín Dương. Cho nên sau này Tống Lý Tông để ông làm phụ trách công tác quân sự vùng Tứ Xuyên, Lô Châu.
Người quản lý vùng Tứ Xuyên – Lã Văn Đức vốn là thân tín của Giả Tự Đạo, cũng là một người rất có năng lực, quân công cũng rất lớn.
Lã Văn Đức đố kỵ với Lưu Chỉnh, Lưu Chỉnh có kiến nghị gì thì ông không tiếp nạp, Lưu Chỉnh có công lao gì ông toàn bộ không báo cáo. Do đó mối quan hệ giữa Lưu Chỉnh và Lã Văn Đức vô cùng căng thẳng.
Lã Văn Đức sau này bổ nhiệm một người tên là Du Hưng làm Chế trí sử vùng Tứ Xuyên. Lã Văn Đức và Lưu Chỉnh là mối quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ của 2 người vô cùng căng thẳng.
Lưu Chỉnh cho rằng sắp xếp này chính là để Lã Văn Đức chỉnh trị mình. Lưu Chỉnh bắt đầu khiếu nại lên triều đình nói rằng: "Có việc này việc kia, có người vu cáo tôi, việc này việc kia xử lý không công bình".
Nhưng ông khiếu nại không có căn cứ rõ ràng, ánh mắt chỉ hướng về 2 cấp trên của mình, đây cũng là vấn đề quan hệ cá nhân, nếu tiếp tục sẽ bị xử tử. Lưu Chỉnh cảm thấy địa vị của mình rất nguy hiểm, cho nên sau này Lưu Chỉnh mang theo 15 quận của Lô Châu với 30 vạn nhân khẩu để đầu hàng Mông Cổ.
Lưu Chỉnh đã đề xuất 2 chủ trương có tính chiến lược cho triều Nguyên, gây tổn thất rất lớn đối với Nam Tống.
Chủ trương thứ nhất đề xuất vào năm 1267, khi đó Lưu Chỉnh nói với Hốt Tất Liệt rằng: "Nếu ngài muốn tiêu diệt Nam Tống thì đầu tiên phải tấn công Tương Dương".
Chủ trương thứ hai là: "Mông Cổ nếu muốn chiếm Nam Tống, nhất định phải huấn luyện thuỷ quân". Thế là vào năm 1270, Lưu Chỉnh bắt đầu giúp Mông Cổ huấn luyện thuỷ quân, khi đó ông đã chế tạo 5000 chiếc thuyền, sau đó đã huấn luyện 7 vạn thuỷ quân.
Vào năm 1268, Hốt Tất Liệt đã xuất bộ binh trước để vây khốn Tương Dương. Tương Dương bị vây 5 năm. Ban đầu khi vây khốn Tương Dương, người lãnh binh tên là A Thuật. Cha của A Thuật là Ngột Lương Hợp Đài, cha của Ngột Lương Hợp Đài là Tốc Bất Đài, đây đều là những danh tướng của Mông Cổ.
Khi đó vây khốn Tương Dương từ năm 1268 đến 1270 nhưng không đánh hạ được. Tướng thủ thành Tương Dương là Lữ Văn Hoán cũng là một danh tướng. Khi Tương Dương đang khổ chiến, thì Giả Tự Đạo đang ở biệt thự cùng với mỹ nữ coi chọi dế, không đem tin tức ở Tương Dương báo cáo về Nam Tống.
Đến năm 1270, vì Tương Dương công lâu không hạ, Hốt Tất Liệt đã phái Thừa tướng Sử Thiên Trạch mang binh viện trợ quân Mông Cổ ở Tương Dương.
Khi đó Sử Thiên Trạch lại vây thêm một vòng nữa bên ngoài Tương Dương, khiến Tương Dương bị vây từng vòng từng vòng, triệt để cắt đứt liên lạc giữa Tương Dương với bên ngoài. Tương Dương lúc này hoàn toàn dựa vào lương thực có trong thành để tử thủ.
Đến tháng Giêng năm 1273, Phàn Thành đã công hạ, tướng thủ thành tuẫn quốc (hy sinh vì nước), mà Phàn Thành lại rất gần Tương Dương. Khi đó tướng thủ thành Tương Dương Lữ Văn Hoán mỗi lần đi tuần thành, đều hướng về phương nam khóc lớn, thống hận vì cứu binh không đến.
Sau này khi tức giận, Lữ Văn Hoán đã đem thành Tương Dương đầu hàng Mông Cổ. Cuối cùng Tương Dương cũng bị công hạ vào năm 1273.
Vào năm 1274, Hốt Tất Liệt bổ nhiệm Bá Nhan làm Trung thư hữu thừa tướng, thống lĩnh 20 vạn đại quân bắt đầu tiêu diệt Nam Tống, lần này chính là hạ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Nam Tống. Cũng trong năm 1274 này, Tống Độ Tông băng hà, con trai 4 tuổi là Triệu Hiển kế vị, đây là Tống Cung Đế trong lịch sử.
Quân đội Mông Cổ tiến công vô cùng nhanh. Đến tháng 11 năm 1275 đã tiến công đến Quảng Đức và Thường Châu. Nếu chúng ta xem bản đồ sẽ phát hiện lúc này quân Mông Cổ đã rất gần đô thành Lâm An ở Hàng Châu của Nam Tống.
Cuối cùng Hàng Châu cũng bị bao bây. Sau khi bị bao vây, thái hậu cũng không có cách nào, đành phải đáp ứng việc hiến toàn bộ đất đai, chỉ cần bảo vệ được tông miếu họ Triệu. Tướng Mông Cổ – Bá Nhan liền đáp ứng.
Sau đó quân Mông Cổ đến đô thành Lâm An cướp bóc đồ thư (sách vở) và cung nữ. Đến tháng 3, quân Mông Cổ đem tông thất, đại thần, học sinh ở Thái học bắt làm tù binh đến Bắc Thượng. Nam Tống như thế đã diệt vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.