Tại BV Nhi, TS Lê Thanh Hải – Giám đốc BV cho biết, trong vài ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám giảm đột biến, chỉ còn 1/3, có ngày chỉ đạt 1/10 so với trước đây với khoảng 200-300 bệnh nhân đến khám. Số ca nhập viện do sởi trước đây khoảng 30 ca mỗi ngày thì nay chỉ còn 5-10 ca.
Hiện, trong BV Nhi T.Ư, tình trạng quá tải cũng đã được giải quyết. Hiện chỉ còn 1.257 bệnh nhân nội trú, mỗi bệnh nhân 1 giường, không còn tình trạng nằm ghép. Tuy nhiên, bác sĩ Hải vẫn lo ngại, do là bệnh viện đầu ngành nên tình trạng bệnh nhân nặng vẫn lên đến hơn 50%, cần phải chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân sởi cũng đang có 305 ca trong đó 100 ca phải thở ôxy và hơn 20 ca phải thở máy.
Đặc biệt, đang có 2 ca phải sử dụng phương pháp ECMO (tim phổi nhân tạo) và 2 ca cấp cứu thành công nhờ phương pháp này. Những ca thở máy vẫn có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, do đó, con số tử vong trong thời gian tới vẫn sẽ khó giảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân chiều 24.4.
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đang có hơn 70 bệnh nhân sởi, 6 bệnh nhân phải thở máy, tuy nhiên chỉ có 30 giường bệnh. Vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 cháu/giường.
Còn tại điểm nóng BV Nhiệt đới T.Ư, hiện chỉ còn hơn 70 bệnh nhân sởi (28 bệnh nhi) nên sức nóng cũng đã giảm nhiệt.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sởi trên cả nước đã có xu hướng giảm. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận hơn 3.600 trường hợp mắc sởi xác định trong số hơn 10.000 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 123 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
|
Trước ý kiến về nhập máy thở rẻ hơn để cứu được nhiều trẻ, TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Nhiệt đới T.Ư cho biết: “Tùy theo bệnh trạng của trẻ để chỉ định trẻ sử dụng máy thở nào. Các bệnh nhân nặng thì không thể sử dụng các máy thở rẻ (chức năng đơn giản).
Các bệnh nhân phải thở máy đều là những bệnh nhân nặng, các chức năng hô hấp đều đã yếu, do đó, cần các máy thở hiện đại để có thể “kích” khả năng hô hấp của các cháu lên. “Việc ứng dụng máy thở nào, đơn giản hay phức tạp, rẻ hay đắt phải tùy thuộc vào bệnh tình của trẻ chứ không thể áp dụng đồng loạt cho tất cả các trẻ bị suy hô hấp. Quan trọng là BV phải điều tiết, sử dụng theo tình trạng sức khỏe của trẻ” – bác sĩ Kính nhấn mạnh.
Tại cuộc họp giao ban về sởi giữa Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vẫn e ngại cho biết, tuy tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi của Hà Nội đã đạt gần 97% nhưng trong mấy ngày nay, dịch sởi ở Hà Nội mới giảm chút ít, số bệnh nhân vẫn ở mức cao, mỗi ngày vẫn duy trì khoảng 700 bệnh nhân điều trị. Do đó, số ca mắc trong những ngày tới vẫn chưa thể giảm sâu. Ngoài ra, con số tử vong cũng vẫn sẽ tiếp tục tăng vì số bệnh nhân thở máy vẫn còn nhiều, đây là những cháu có nguy cơ tử vong cao.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.