"Cuộc chiến" đất rừng: DN bỏ bê trồng rừng, dân bế tắc mưu sinh

Cảnh Thắng Thứ hai, ngày 31/10/2016 10:47 AM (GMT+7)
Tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho mượn hay chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng đất không rõ ràng không chỉ diễn ra tại Đăk Nông (NTNN số 258; 259), NTNN còn ghi nhận tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), nhiều người dân than thiếu đất bởi đất rừng đã được doanh nghiệp thuê hết.
Bình luận 0

“Thâu tóm” đất rừng

Huyện miền núi Quế Phong có hơn 177.000ha đất lâm nghiệp có rừng; 56.357ha đất trống, đồi núi trọc. Nhận thấy ưu thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp tại địa phương này nên từ lâu nay UBND tỉnh Nghệ An đã khuyến kích các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng thực hiện trồng rừng sản xuất, khai thác và chế biến lâm sản.

imgimg

Ông Lô Văn Quang ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong nói: Đa số đất lâm nghiệp trên địa bàn đều đã được quy hoạch cho doanh nghiệp thuê để trồng rừng. Ảnh: C.T

Nhiều hệ lụy khó lường
Theo ông Lê Văn Giáp, doanh nghiệp muốn trồng rừng tại địa phương cần phải phối hợp với chính quyền sở tại và người dân bản địa, khi đó phương án trồng rừng mới đạt hiệu quả cao. Còn không khi dân thiếu đất sản xuất, thiếu kế sinh nhai thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đáng tiếc và rất khó lường.

Ngay từ tháng 8.2008, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định quy hoạch 5.840ha đất lâm nghiệp tại xã Đồng Văn (1.894ha), xã Quang Phong (1.355ha), xã Cắm Muộn (1.301ha) và xã Tiền Phong (1.290ha) cho Công ty TNHH InnovGreen Nghệ An trồng rừng sản xuất và khai thác chế biến lâm sản. Tuy nhiên, tỉnh quy hoạch và tiến hành cho thuê hơn 987ha đất lâm nghiệp vào năm 2009 cho phía công ty nhưng phía công ty trồng rừng một cách ì ạch, chậm tiến độ; trong khi nhiều người dân nơi đây thì thiếu đất sản xuất. Theo ông Lô Thanh Hương – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Quế Phong thì từ năm 2009 đến nay, phía InnovGreen chỉ trồng được có 300/5.840ha rừng sản xuất, số còn lại để hoang hóa.

Giống như phía Công ty TNHH InnovGreen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cũng thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất tại huyện Quế Phong và được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch cho hơn 2.860ha vào năm 2011 tại xã Nậm Giải (768ha), xã Quang Phong (1.238ha) và xã Nậm Nhoóng (853ha). Tuy nhiên, đã hơn 3 năm nay phía Thanh Thành Đạt chỉ mới trồng được 150ha rừng sản xuất, số diện tích còn lại phía công ty để hoang, hoặc đang tiến hành xây dựng quy hoạch để triển khai trồng mới.

Khác với hai công ty kể trên, Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt cũng đã tiến hành lên huyện Quế Phong khảo sát đất rừng và được UBND tỉnh quy hoạch cho hơn 3.642ha đất lâm nghiệp tại xã Quang Phong (1.051ha), xã Tri Lễ (1.852ha) và xã Châu Thôn (738ha) vào đầu năm 2016 để trồng rừng sản xuất và phát triển cây dược liệu tại địa phương. Nhưng đến nay, phía công ty trên vẫn án binh bất động, dù diện tích đất quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Anh Lô Văn Quang trú tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho hay: “Chúng tôi sống ở đây đã lâu, nhưng hiện nay rất nhiều hộ dân như tôi không có đất để sản xuất, thiếu nước sạch để sinh hoạt. Hễ chúng tôi muốn vào rừng để trồng cây, thả trâu bò mưu sinh thì đi đến đâu cũng đụng phải đất của doanh nghiệp... Cuộc sống vốn đã khó khăn, thiếu thốn lại không có đất để sản xuất nên chắc phải chịu nghèo mãi thôi...”.     

Kiến nghị thu hồi

Trao đổi với NTNN về vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An cho biết: “Huyện Quế Phong đang quản lý 35.000ha đất lâm nghiệp, không có căn cứ để khẳng định người dân ở huyện Quế Phong thiếu đất sản xuất?!...Việc quy hoạch đất rừng có phương án lâu dài chỉ là doanh nghiệp chưa triển khai. Vấn đề quy hoạch giao đất chậm không phải thuộc thẩm quyền của Sở NNPTNT mà thuộc của Sở TNMT. Thông thường doanh nghiệp chọn thuê đất là phải đất ngon, đất tốt họ mới thuê”.

PV làm việc với Sở TNMT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Chất – Trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở này nói: “Nếu xét về thời gian thì tốc độ trồng rừng như đã quy hoạch của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp như thế là quá chậm, các doanh nghiệp trồng rừng chưa đạt được yêu cầu. Trong khi những doanh nghiệp trồng rừng này vẫn được hỗ trợ của Nhà nước từ cây giống, phân bón và các chính sách thuận lợi khác. Nếu doanh nghiệp nào đã quy hoạch đất để trồng rừng chậm hoặc không triển khai thì phía Sở NNPTNT gửi văn bản sang Sở TNMT, chúng tôi sẽ tiến hành kiến nghị lên UBND tỉnh thu hồi đất đã giao như đã được quy hoạch...”.

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: “Trên địa bàn huyện Quế Phong có quá nhiều doanh nghiệp thuê đất để quy hoạch trồng rừng, nhưng đến nay triển khai ít, chủ yếu họ giữ đất. Nếu doanh nghiệp nào không trồng rừng thì huyện sẽ kiến nghị lên tỉnh trả lại đất cho địa phương để địa phương giao lại đất cho người dân. Theo tôi, Sở NNPTNT và Sở TNMT nên tiến hành rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn. Sau đó giao cho doanh nghiệp trồng rừng ở những chỗ khó khăn trước, rồi mới trồng chỗ dễ”.

Còn ông Lô Thanh Hương – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Quế Phong thì cho biết: “Từ tháng 4.2016 đến nay, huyện đã đề nghị lên tỉnh xem xét việc thu hồi lại đất của Công ty TNHH InnovGreen vì từ năm 2013 đến nay phía công ty không thực hiện trồng rừng như cam kết”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem