“Cuộc chiến” giữ nhà cho voọc mông trắng (bài 3): Đưa “nhà” của voọc vào quy hoạch

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 18/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên. Nhưng đến nay, quy hoạch khu bảo tồn vẫn chưa được thực hiện.
Bình luận 0

Áp dụng biện pháp cấp bách

Voọc mông trắng rõ ràng là một "báu vật" không chỉ của Hà Nam, mà còn có giá trị với cả thế giới. Báu vật này lại ở trong một báu vật khác lớn hơn nhiều, đó là diện tích rừng núi đá vôi nguyên sinh còn sót lại ở huyện Kim Bảng, giáp ranh với Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình. Khu rừng này còn giáp ranh với khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc.

Cần lưu ý rằng, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Theo đó, diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc là 4.000ha. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hình thức khai thác đá, đất sét, khai thác vật liệu xây dựng, chặt phá rừng làm tổn hại hệ sinh thái tự nhiên trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc.

“Cuộc chiến” giữ nhà cho voọc mông trắng (bài 3): Đưa “nhà” của voọc vào quy hoạch - Ảnh 1.

Tại khu rừng ở huyện Kim Bảng ghi nhận vài chục cá thể voọc mông trắng. Ảnh: P.V

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên trên địa bàn theo kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Chỉ tay vào tấm bản đồ khu vực rừng đá vôi Kim Bảng, một chuyên gia về bảo tồn sinh vật nói với chúng tôi: "Khu vực này đang chờ được phê duyệt thành khu bảo tồn, để được bảo đảm không làm tổn hại hệ sinh thái như bên khu Tam Chúc. Đề xuất có rồi, giờ chúng ta chờ đợi thôi".

UBND tỉnh Hà Nam cũng đã xây dựng đề án xác lập khu bảo tồn voọc mông trắng, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ rừng. Thực thực tế cho thấy, ý thức người dân ở khu vực rừng Kim Bảng là rất tốt. Đội tuần tra bảo vệ rừng do ông Hiên làm Tổ trưởng là ví dụ điển hình trong việc giữ rừng dựa vào nhân dân.

Tháng 11/2020 - hơn 3 năm sau khi có các báo cáo chính thức của các tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kết luận rằng việc thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng là "nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn loài động thực vật và sinh cảnh voọc mông trắng".

Nhiệm vụ đã được giao cho các sở ngành và giờ, người ta vẫn sẽ chờ Hà Nam đến bao giờ sẽ hoàn thành vấn đề "cấp bách" được Thủ tướng giao.

Phải đưa "nhà" của voọc mông trắng vào quy hoạch

Vậy đã rõ, các cơ quan chức năng từ Chính phủ đến địa phương, cùng các tổ chức quốc tế về bảo vệ động thực vật hoang dã và người dân đều nhận thấy vấn đề bảo tồn voọc mông trắng là rất cần thiết, cấp bách. Bởi việc này không chỉ nhằm tạo nơi sinh sống cho hơn 250 cá thể voọc đặc hữu, mà còn gìn giữ gần 3.500ha rừng nguyên sinh cho các thế hệ tiếp theo. Tầm nhìn xa hơn, khu vực Tam Chúc hay khu đất ngập nước đầm Vân Long, rừng nguyên sinh đá vôi Kim Bảng có thể được công nhận là di sản thế giới nữa.

Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi đã gõ cửa các cơ quan chức năng địa phương, gặp rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về bảo tồn động thực vật hoang dã để tìm "chìa khóa" giải quyết vướng mắc đã được ông Giám đốc Sở NNPTNT nhắc đến. Hà Nam phải giải được bài toán phát triển kinh tế bằng cách phá đá, làm xi măng hay hướng đến kinh tế xanh, bảo tồn sinh thái để phát triển bền vững. Các bộ, ngành ở Trung ương cũng đã có những hướng dẫn để Hà Nam thực hiện những thủ tục cơ bản nhằm bảo tồn loài voọc quý hiếm, bảo vệ một vùng đất chưa bị mìn phá đá, máy xúc, ôtô xâm phạm.

Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng việc thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh cho loài voọc mông trắng phải đảm bảo điều kiện, đáp ứng các tiêu chí về khu bảo tồn loài sinh cảnh quy định tại Nghị định số 156/2016/ NĐ - CP của Chính phủ. Nhưng hiện nay, diện tích dự kiến thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh loài voọc mông trắng (khoảng 3500ha) chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Hà Nam.

Bộ TNMT cũng có văn bản khuyến cáo UBND tỉnh Hà Nam "các dự án, hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến nơi cư trú , đường di chuyển, nơi kiểm ăn của loài tu tiên được bảo vệ phải có các biện pháp giảm thiểu phù hợp, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài đó trong tự nhiên".

Bên cạnh đó, phải đánh giá thực trạng phân bố, sinh cảnh sống, các mối đe dọa và thực hiện các chế độ bảo vệ phù hợp đối với loài voọc mông trắng, nghiên cứu đề xuất dự án thành lập khu bảo tồn loài, sinh cảnh, xem xét đưa khu vực bảo vệ, bảo tồn loài voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng trong quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem